Truyền thông nhà nước đưa tin hôm 25/2 cho biết chính phủ Lào đã công bố những hướng dẫn mới trong việc quản lý các đập thủy điện nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nước và nguy cơ lũ lụt, giữa lúc đang có tranh luận về sự bùng nổ các nhà máy thủy điện làm thay đổi dòng sông Mekong, con sông thiết yếu cho đời sống người dân ven bờ.
Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 4/3 yêu cầu tất cả các nhà khai thác thủy điện phải thông báo cho chính quyền bất cứ khi nào các hồ chứa đạt dung tích tối đa hoặc khi mực nước sông ở hạ lưu xuống mức nguy hiểm, báo Vientiane Times đưa tin.
Bài báo viết:
“Quản lý hiệu quả các tài nguyên nước và sông, đặc biệt là các nguồn nước được sử dụng bởi các nhà máy thủy điện, được coi là thiết yếu trong bối cảnh Lào đang nỗ lực xây dựng nhiều đập hơn để trở thành nước xuất khẩu điện quan trọng”.
Hôm thứ Năm, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Lào không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về sắc lệnh mới.
Phát triển thủy điện là trọng tâm trong kế hoạch của Lào nhằm xuất khẩu khoảng 20.000 MW điện sang các nước láng giềng vào năm 2030.
Ít nhất 50 đập đã được xây dựng trong 15 năm qua trên hàng trăm con sông và suối của Lào, với ít nhất 14 đập mới trên sông Mekong và các nhánh của nó đã xây dựng kể từ năm 2018, Cơ quan Giám sát Đập Mekong do Mỹ tài trợ cho hay.
Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng các đập thủy điện đã làm hỏng hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong.
Việc xả nước đột ngột gây ra lũ lụt, và giữ nước gây nạn thiếu nước ở vùng hạ lưu đã khiến ngư dân và nông dân ở Lào và các nước láng giềng ở hạ lưu, kể cả Thái Lan và Campuchia, lớn tiếng than phiền. Đây là nơi hàng triệu người lệ thuộc vào sông Mekong làm kế sinh nhai.
Các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường kêu gọi nên “quản lý dòng chảy” tốt hơn đối với các đập ở Lào, cũng như đối với 11 đập trên thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của các con đập này.