Các nhà lãnh đạo thế giới sắp sửa tụ họp tại Liên Hiệp Quốc với con số đông đảo nhất từ trước tới nay. Hơn 150 vị tổng thống và thủ tướng sẽ đến dự phiên họp của Đại hội đồng năm nay, cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan thế giới này. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ tới trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9, chỉ vài giờ trước giờ khai mạc một hội nghị cấp cao về xoá đói giảm nghèo.
Nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican sẽ nói chuyện với các nhân viên của Liên Hiệp Quốc và họp riêng với Tổng thư ký Ban Ki Moon, là người đã hội kiến Đức Giáo Hoàng ba lần tại Vatican.
Ông Ban Ki Moon cho biết như sau về những cuộc gặp gỡ đó.
"Chúng tôi đã thảo luận với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xoá nghèo và các vấn đề về người di cư và người tị nạn, và quan trọng hơn hết là vấn đề biến đổi khí hậu."
Sau cuộc họp với người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng sẽ đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ông Carne Ross, một nhà tư vấn về ngoại giao, cho biết nhiều người muốn nghe Đức Giáo Hoàng nói về các vấn đề của thế giới.
"Điều đặc biệt là ông ấy dường như đã trở thành một tiếng nói thật sự của uy quyền toàn cầu về đạo đức đối với những vấn đề như người tị nạn và biến đổi khí hậu. Rất nhiều người sẽ trông chờ ở ông ấy và muốn nghe những gì ông nói về tình trạng của thế giới hiện nay."
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nói rằng phiên họp năm nay của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phải tìm cách giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải. Ông Richard Gowan, giáo sư chính trị của Đại học Columbia, cho biết như sau.
"Sẽ có những phát biểu có tính chất chúc mừng nhau về thoả thuận hạt nhân Iran, nhưng điều đó sẽ bị lu mờ bởi vụ khủng hoảng nhân đạo ở Châu Âu và thế lực không bị suy suyển của Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông."
Vào ngày 30 tháng 9 sẽ có một cuộc họp cấp cao về vụ khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu. Tổng thư ký Ban Ki Moon cho biết ông hy vọng có thể vận động được một sự ứng phó có tính chất nhân đạo và có hiệu quả cho vụ khủng hoảng này.
Đa số những người trong làn sóng di dân tràn vào Châu Âu hiện là người Syria trốn chạy cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm.
Việc Nga mới đây gia tăng sự hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm gia tăng những mối căng thẳng với Washington. Tổng thống Vladimir Putin sẽ đến dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên trong vòng gần một thập niên. Theo giáo sư Gowan, ông Putin có lẽ sẽ trình bày một chiến lược mới về Syria, nhưng chiến lược đó có phần chắc sẽ không được nhiều người tán đồng.
"Có một sự bất đồng ý kiến một cách cơ bản giữa Nga với Mỹ và các nước Châu Âu về vấn đề ông Assad, và Moscow tiếp tục hỗ trợ ông Assad, cho nên có phần chắc là sẽ có một sự đổ vỡ ngoại giao chứ không phải một sự đột phá."
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ chủ toạ một cuộc họp về vấn đề chống khủng bố. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, cho biết như sau.
"Tổng thống sẽ triệu tập một phiên họp để bàn về việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, để xem xét những gì mà liên minh đã đạt được và tìm hiểu xem có những điều gì cần phải làm thêm."
Các nhà quan sát nói rằng phiên họp năm nay của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể là lớn nhất từ trước đến nay, cả về con số các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị lẫn những thách thức cần phải khắc phục.
Your browser doesn’t support HTML5