Sau khi bị buộc phải rời Việt Nam, bà Debbie Stothard cho VOA tiếng Việt biết rằng bà đã “bị giữ qua đêm” trong một phòng tại sân bay Nội Bài và “không được phép tiếp cận luật sư”.
Thật là điều mỉa mai vì tôi từng đến phát biểu tại các hội thảo về nhân quyền nhưng lại không gặp rắc rối nào, nhưng khi tôi tới tham dự hội nghị về kinh tế, tôi lại gặp trở ngại.Bà Debbie Stothard nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký của Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền nói thêm rằng bà được đối xử “tốt hơn nhiều” nếu so với các tin tức bà từng đọc về những gì các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam phải trải qua.
Bà Stothard cho hay rằng bà “được mời tới tham dự và phát biểu tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)”.
“Tôi không nghĩ mình lại gặp vấn đề gì vì trước đây tôi từng tới Việt Nam và phát biểu tại các diễn đàn. Đây là lần đầu tiên tôi bị chặn. Thật là điều mỉa mai vì tôi từng đến phát biểu tại các hội thảo về nhân quyền nhưng lại không gặp rắc rối nào, nhưng khi tôi tới tham dự hội nghị về kinh tế, tôi lại gặp trở ngại”, quan chức nhân quyền quốc tế người Malaysia nói với VOA Việt Ngữ hôm 11/9.
Bà cho biết thêm rằng bà “tính nói tới vấn đề hạn chế không gian cho xã hội dân sự và lý do vì sao việc tôn trọng các quyền căn bản của con người ở tất cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại quan trọng cho phát triển kinh tế một cách bền vững”.
Bức ảnh bà Stothard chụp “biên bản chưa cho nhập cảnh” chiều ngày 9/9 cho thấy bà “thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam [theo] quy định tại Điều 21”.
Văn bản này không nói cụ thể thêm về nguyên nhân, nhưng Luật Xuất Nhập cảnh của Việt Nam có một khoản liên quan tới “lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Sau bà Stothard, nữ phát ngôn viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Fon Mathuros, xác nhận rằng Việt Nam đã từ chối không cấp visa cho một lãnh đạo nhân quyền quốc tế khác, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Việt Nam tới ngày 12/9 vẫn chưa lên tiếng về vụ cấm nhập cảnh đối với các lãnh đạo của hai tổ chức nhân quyền quốc tế.
Hà Nội tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN kéo dài từ ngày 11 tới 13/9 với sự tham gia của hơn một nghìn người.
Quan chức nhiều nước ASEAN đã tới tham dự như Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hay cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi. Ngoài ra, sự kiện về Đông Nam Á này còn có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa.
Tìm kiếm thông tin tiếng Anh về sự kiện ngoại giao được coi là thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam trong năm nay trên Google, tin về vụ cấm nhập cảnh đứng đầu sau đó mới tới các hoạt động chính quanh chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Và nếu Việt Nam kêu gọi đầu tư, họ cũng phải hiểu rằng cũng có các tiêu chuẩn họ cần phải tuân thủ.Bà Debbie Stothard nói.
Phát biểu hôm 12/9, Chủ tịch WEF, ông Klaus Schwab, nói rằng hội nghị ở Việt Nam cho thấy tiềm năng khu vực ASEAN có sức mạnh chính trị mạnh mẽ nhất trong thế giới đang phân cực hiện nay.
Khi được hỏi về một thông điệp tới các nhà lãnh đạo tham dự sự kiện ở Hà Nội, bà Stothard nói: “Họ nên hiểu rằng cả cộng đồng doanh nhân cũng như nhân quyền cũng cần pháp quyền, môi trường không có tham nhũng cũng như quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin nhằm đạt được sân chơi bình đẳng cho cả việc phát triển kinh doanh lẫn chính trị. Xét về nhiều khía cạnh, cộng đồng doanh nhân lẫn nhân quyền có lợi ích chung. Và nếu Việt Nam kêu gọi đầu tư, họ cũng phải hiểu rằng cũng có các tiêu chuẩn họ cần phải tuân thủ”.