NATO không nhắm mục tiêu cô lập Nga sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhắm vào một cựu điệp viên người Nga và con gái ông ta ở Anh hồi tháng trước, nhưng phải mạnh tay để cho thấy sự bất mãn của mình đối với Moscow, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 4/4.
Liên minh tuần trước đã trục xuất bảy nhà ngoại giao khỏi phái bộ Nga ở NATO và cắt giảm số lượng nhân viên tối đa của phái bộ từ 30 xuống còn 20 người, sau vụ tấn công mà phương Tây quy trách cho Moscow dù Điện Kremlin phủ nhận.
"Chúng tôi tiếp tục phấn đấu để có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga vì Nga là nước láng giềng của chúng tôi, Nga sẽ vẫn mãi ở đó. Chúng tôi không nhắm mục tiêu cô lập Nga," ông Stoltenberg nói trong phần phát biểu tại Đại học Ottawa ở Canada.
Ông Stoltenberg nói NATO lo ngại về một nước Nga quyết đoán hơn mà ông nói là đã sát nhập Crimea, gây bất ổn ở miền đông Ukraine, hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
"Đó là lý do vì sao các đồng minh và đối tác NATO lại phản ứng như vậy sau vụ tấn công ở Salisbury. Bởi vì đó không phải là một sự kiện duy nhất," ông nói. "Đó là một vụ tấn công đã diễn ra giữa bối cảnh là một kiểu hành vi từ Nga mà chúng ta đã chứng kiến từ nhiều năm qua."
Hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất để trừng phạt Điện Kremlin trong vụ tấn công ngày 4 tháng 3 tại Salisbury, Anh.
NATO đình chỉ mọi sự hợp tác quân sự và dân sự thực tiễn với Nga sau khi Nga sát nhập Crimea năm 2014.
Ông Stoltenberg sau đó đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Chính phủ của ông Trudeau đã trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga sau vụ tấn công Salisbury.
Ông Trudeau, phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội kiến, nói rằng Nga đang lan tỏa một "làn sóng can thiệp và tuyên truyền" chống lại khoảng 450 binh sĩ Canada đóng quân tại Latvia trong khuôn khổ sứ mệnh của NATO.
Ông Trudeau cũng cho biết Canada sẽ "tiếp tục cân nhắc tác động và tính hữu hiệu của các chế tài" và sẵn sàng thảo luận về những điều khác mà Canada có thể làm.