Người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong đã đến thăm Nhà Trắng ở Mỹ lần đầu tiên trong sáu thập niên, một hành động có thể khiến Trung Quốc tức giận hơn nữa.
Lobsang Sangay, Tư chính của Trung ương Hành chính Người Tây Tạng (CTA), đã được mời đến Nhà Trắng để gặp Điều phối viên Đặc biệt mới được bổ nhiệm của Mỹ về Các vấn đề Tây Tạng, Robert Destro, vào ngày thứ Sáu, CTA cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Cuộc gặp chưa từng có tiền lệ này có lẽ sẽ định ra thái độ lạc quan cho sự tham gia của CTA với các quan chức Mỹ và sẽ được chính thức hóa hơn trong những năm tới,” CTA đặt trụ sở tại Dharamshala của Ấn Độ nói.
Tây Tạng đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, với quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và nói rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” cho khu vực.
Các quan chức Bắc Kinh kể từ đó đã cáo buộc Mỹ sử dụng Tây Tạng nhằm tìm cách thúc đẩy “chủ trương li khai” ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã từ chối tiếp xúc với ông Destro.
Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950 trong một sự kiện mà họ mô tả là “giải phóng hòa bình” giúp nước này xóa bỏ “quá khứ phong kiến,” nhưng những người chỉ trích dẫn đầu bởi lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma nói rằng sự cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 8 nói rằng Trung Quốc cần xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” ở Tây Tạng để bảo vệ sự thống nhất quốc gia.