Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ tìm cách thuyết phục tập đoàn quân nhân cai trị Myanmar chấm dứt bạo lực đồng thời cho phép cộng đồng quốc tế đưa hàng cứu trợ vào nước này tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày thứ Bảy 24/7, trong nỗ lực có phối hợp đầu tiên của quốc tế nhằm giảm thiểu hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau sau những cánh cửa khép kín tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, Indonesia. Họ hy vọng cuộc họp kín sẽ khuyến khích các cuộc thảo luận thẳng thắn, hai nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.
Thượng tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu tập đoàn quân nhân Myanmar đã lật đổ chính phủ dân sự Myanmar vào ngày 1/2/21, có nhiều khả năng sẽ dự hội nghị, các quan chức và nhà ngoại giao nước chủ nhà cho biết.
Các sáng kiến đang được ASEAN xem xét gồm: tạm ngưng bạo lực để cho phép việc tiếp tế thực phẩm và y tế cho Myanmar, đồng thời bổ nhiệm một đặc phái viên để khuyến khích đối thoại giữa chế độ quân sự với những người chống đối thuộc Chính phủ Đoàn kết quốc gia (NUG), các nguồn tin cho biết.
Không có quốc gia nào ngoài ASEAN có mặt tại các cuộc đàm phán, mặc dù một số quốc gia tham gia và đặc sứ của Liên Hiệp Quốc đặc trách Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, sẽ mở các cuộc họp bên lề sự kiện, vẫn theo nguồn tin này.
Một phát ngôn viên của NUG, được thành lập bởi các nhà lập pháp bị lật đổ và một số nhóm dân tộc phản đối chính quyền, nói với Reuters rằng nhóm này đã "tiếp xúc với các nhà lãnh đạo ASEAN", tuy nhiên không được chính thức mời tới dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng kêu gọi ASEAN điều tra ông Min Aung Hlaing về tội ác đối với lại loài người.
Theo truyền thống, ASEAN không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia thành viên và cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar sẽ là trắc nghiệm lớn nhất đối với ASEAN, tổ chức bảo vệ nhân quyền này cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết các nhà lãnh đạo Lào, Philippines và Thái Lan sẽ cử đại diện tới dự hội nghị, nhưng Ngoại trưởng Marsudi không xác nhận liệu người đứng đầu tập đoàn quân nhân Myanmar có tham dự hay không.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Marsudi nói:
“Cam kết của các nhà lãnh đạo trực diện gặp nhau thể hiện mối quan tâm sâu sắc về tình hình Myanmar, cũng như quyết tâm của ASEAN nỗ lực giúp Myanmar thoát khỏi tình huống nhạy cảm này”.