Lan truyền tin đồn phó bí thư Thanh Hóa có bồ nhí là mắc lỡm?

Ảnh chụp tin nhắn bị cho là giữa một phó bí thư đảng của Thanh Hóa với bồ nhí

Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 20/3 nói với báo chí rằng thông tin lan truyền trên mạng về việc một lãnh đạo tỉnh có bồ nhí là “bịa đặt, không chính xác”. Cùng ngày, cô gái bị cho là nhân vật bồ nhí trong tin đồn cũng bác bỏ thông tin đó trên một báo lớn của Việt Nam cũng như trên trang Facebook cá nhân.

Ảnh chụp những gì được cho là tin nhắn qua lại giữa cô và vị quan chức đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội trong hai ngày nay, kéo theo nhiều lời bình luận tiêu cực. Một số cư dân mạng bày tỏ ý kiến rằng việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng và bình luận ác ý như vậy là “mọi rợ”.

Cô Nguyễn Thị Trang, 26 tuổi, nói với báo Thanh Niên rằng cô “choáng váng” khi được một đồng nghiệp báo tin qua điện thoại vào tối 19/3 là có “kẻ xấu” tung tin đồn trên Facebook về việc cô là ‘bồ nhí’ của ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ảnh được cho là của chủ tài khoản Facebook mang tên Trang LaNa

Đông đảo người dùng Facebook ở Việt Nam từ chiều tối ngày 19/3 đã chia sẻ ảnh chụp những gì được cho là tin nhắn giữa Phó bí thư Hưng và “bồ nhí”. Những ảnh chụp đó xuất phát từ một tài khoản Facebook mang tên “Son Thai”.

Nội dung tin nhắn nhắc đến một số chuyện nội bộ trong bộ máy lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, bao gồm cả việc bỏ phiếu hay kỷ luật một số quan chức. Ngoài ra, một phần tin nhắn nhắc đến tình cảm riêng tư và việc ông Hưng tặng nhà, tặng xe cho “bồ nhí”.

Đến sáng 20/3, tài khoản “Son Thai” đã gỡ hầu hết các ảnh và thông tin kể trên.

Một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa được báo chí trong nước trích dẫn, song không nêu tên, cho biết rằng “cơ quan chức năng tỉnh đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ” vụ việc này. Vị lãnh đạo chỉ ra một số điểm đáng nghi ngờ là “tin nhắn không ngày giờ, tin lại cùng một trạng thái".

Theo lời cô Nguyễn Thị Trang, hiện sống ở thành phố Thanh Hóa, người dựng lên tin đồn đã lấy ảnh trong Facebook cá nhân của cô và lồng ghép với nội dụng tin nhắn họ tự tạo ra để “vu khống” cô.

“Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết ông Đỗ Trọng Hưng là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, chứ bản thân chưa từng gặp ông Hưng bao giờ", cô Trang nói với Thanh Niên.

Cô gái đang làm cộng tác viên trang điểm cho Đài phát thanh Truyền hình Thanh Hóa gọi tin đồn là sự vu khống “trắng trợn” và “ác độc”.

Nhấn mạnh rằng vụ việc này “xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân” của cô cũng như gia đình, bạn bè, cô Trang cho Thanh Niên biết thêm cô “đang làm đơn gửi đến các quan chức năng và cơ quan công an đề nghị vào cuộc điều tra, truy tìm kẻ xấu tung tin thất thiệt”

Thông điệp có nội dung tương tự cũng được cô đăng trên Facebook cá nhân có tên Trang LaNa vào lúc 8h tối cùng ngày 20/3.

VOA không có điều kiện để kiểm chứng thông tin của các bên liên quan. Cô Trang viết trên Facebook rằng cô đề nghị mọi người “thông cảm, đừng gọi điện” cho cô. Trong khi đó, nhiều cuộc gọi đến số của ông Hưng được thực hiện song ông không bắt máy.

Tôi nghĩ là vụ này khiến cho một số Facebooker có ảnh hưởng sẽ thận trọng hơn trong việc share thông tin, và tôi hy vọng sắp tới mọi người sẽ một là cẩn trọng hơn, hai là sẽ cố gắng tăng cường khả năng đánh giá thông tin hơn và share trên mạng xã hội.
Nhà nghiên cứu Trần Lệ Thùy

Khi các ảnh chụp tin nhắn được cho là giữa cô Trang và ông Hưng lan truyền chóng mặt, cư dân mạng cũng đã đưa ra hàng trăm lời bình luận. Phần lớn số đó lên án, thậm chí thóa mạ hai nhân vật bị nêu tên, một phần khác kêu gọi thận trọng khi chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, một số người cho rằng có những lời bình đầy ác ý tới mức “mọi rợ kinh hoàng”.

Bà Trần Lệ Thùy, nhà nghiên cứu về báo chí, mạng xã hội, nhận định với VOA là có những hành xử như vậy là do người dùng mạng xã hội ở Việt Nam “hầu hết đều chưa có kỹ năng để phân biệt tin thật, tin giả” và thường là các quyết định của họ về chia sẻ thông tin trên mạng “khá là cảm tính”. Bà Thùy hy vọng nhiều người rút ra được bài học từ vụ tin đồn bồ nhí vừa xảy ra:

“Trong vụ Thanh Hóa này, tôi thấy sáng hôm nay [20/3], một số Facebooker có ảnh hưởng người ta đã rút lại cái thông tin này để chờ tình hình. Tôi nghĩ là vụ này khiến cho một số Facebooker có ảnh hưởng sẽ thận trọng hơn trong việc share thông tin, và tôi hy vọng sắp tới mọi người sẽ một là cẩn trọng hơn, hai là sẽ cố gắng tăng cường khả năng đánh giá thông tin hơn và share trên mạng xã hội”.

Nữ học giả từng tu nghiệp tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford, Anh, cho rằng việc tin đồn lan truyền về ông Hưng, cô Trang không nhất thiết nói lên rằng trong xã hội có vấn đề về lòng tin hay định kiến với giới quan chức và các cô gái đẹp. Điều này chỉ đơn thuần đi theo một xu hướng chung mà ở nhiều nơi trên thế giới đều có, đó là tin giả, tin xấu lan truyền “nhanh hơn”, “có sức công phá mạnh hơn” tin tốt.