Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam xua quân sang Campuchia, lật đổ chế độ Khmer đỏ và đưa ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer đỏ, lên cầm quyền.
Đúng bốn mươi năm sau, Campuchia giờ vẫn do Hun Sen lãnh đạo, rõ ràng đang nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh, tác giả David Hutt viết trong một bài báo đăng trên Asia Times, ngày 7 tháng 1 năm 2019.
Bốn mươi năm về trước khoảng 100.000 chiến binh Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh cùng với 20.000 người Campuchia để lật đổ chế độ cực đoan của Khmer đỏ theo chủ nghĩa Mao. Ngay ngày hôm sau, Hà nội đưa Hun Sen lên cầm quyền vào ngày 8 tháng 1 năm 1979. Ông Hun Sen trở thành Thủ tướng Campuchia vào năm 1985, một vị trí mà ông vẫn nắm giữ cho tới bây giờ.
Lên cầm quyền năm 1975, Khmer đỏ đã đuổi dân ra khỏi thủ đô Phnom Penh, những tội ác do tổ chức này gây ra trong thời nắm quyền sinh sát ở Campuchia, đã làm rúng động lương tâm thế giới. Uớc lượng trong thời gian cầm quyền từ 1975 tới 1979, chế độ tàn bạo này đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,2 triệu người Campuchia.
Theo các nguồn tin từ Việt Nam, Khmer đỏ không chỉ giết hại người dân nước họ, mà còn giết rất nhiều người Việt và người thiểu số Chăm ở các vùng biên giới, dẫn tới ‘chiến tranh biên giới Tây Nam’.
Theo phim tài liệu Chạm vào Ký ức Tây Nam, một lý do khiến Việt Nam xua quân sang Campuchia là vì Khmer đỏ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thực hiện những vụ thảm sát ở biên giới, “giết chết và thủ tiêu gần 3 vạn người Việt”.
Ở Campuchia, ngày 7 tháng 1 được đánh dấu là “Ngày Giải phóng” hoặc là “Ngày Chiến thắng”, đây là ngày mà hai nước Campuchia và Việt Nam ăn mừng mối quan hệ ‘vững bền’ giữa hai bên. Hôm thứ Bảy vừa rồi, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đánh dấu chiến thắng trước Khmer đỏ với một buổi lễ và một loạt tượng đài.
Ước lượng 25.000 chiến binh Việt Nam đã mất mạng ở Campuchia trong thời gian từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989, khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia theo hiệp định hòa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Thủ Tướng Hun Sen đã nhiều lần bày tỏ cảm kích về vai trò của Hà nội chấm dứt chế độ cầm quyền Khmer đỏ, và năm nay, tại lễ kỷ niệm 40 năm tổ chức ở Sân vận động Olympic Phnom Penh ngày 7/1/1979, một lần nữa ông Hun Sen “bày tỏ sự biết ơn với sự hỗ trợ kịp thời và lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam”, trước một cử tọa 60.000 người, trang Zing.com cho biết.
Tuy nhiên bài báo Asia Times nêu lên rằng Việt Nam can thiệp và giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ, là do bản năng tự vệ chứ không phải vì lòng vị tha, thương xót dành cho nhân dân Campuchia.
“12 vạn bộ đội VN đã hy sinh ở CPC trong cuộc chiến (1977 - 1989); hàng chục vạn người khác để lại một phần thân thể ở đây, rất nhiều chàng trai trẻ đã để lại hai chân”.Tướng Hoàng Kiền được Soha trích lời- Trên FB Trương Huy San
Dù thế nào đi chăng nữa, Việt Nam cũng đã trả một cái giá đắt trong những năm 1980. Trên trang Facebook của ông, nhà báo Trương Huy San nói rằng “nhà nước chưa bao giờ công bố cho dân biết, cuộc chiến ở Campuchia đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người Việt”. Nhà báo trích thông tin trên Soha, dẫn lời Tướng Hoàng Kiền, cho biết “12 vạn bộ đội VN đã hy sinh ở CPC trong cuộc chiến (1977 - 1989); hàng chục vạn người khác để lại một phần thân thể ở đây, trong đó, rất nhiều chàng trai trẻ đã để lại hai chân”.
Bất chấp những sự hy sinh đó, hiện đang có nhiều dấu hỏi về sự gần gũi trong mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, trong bối cảnh Trung Quốc giờ đã trở thành nước viện trợ và đầu tư lớn nhất, cũng như là đồng minh thân cận nhất của Campuchia.
Quan trọng không kém, Trung Quốc là nước bảo vệ đảng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen, người được Hà nội đưa lên nắm quyền hồi năm 1979, trước làn sóng chỉ trích từ phương Tây và đe dọa của các nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Campuchia vì xu hướng rủ bỏ con đường “dân chủ đa đảng” của giới lãnh đạo tại Pnom Penh.
Mặc dù Việt Nam và Campuchia vẫn duy trì quan hệ lành mạnh đã xây dựng trong bốn thập kỷ qua, đặc biệt trong quan hệ giữa hai quân đội, và nhiều quan chức cấp cao CPP vẫn có cảm tình với người Việt vì đã từng học ở Việt Nam trong những năm 1980 và 1990, nhưng theo các chuyên gia, với sự ra đi của thế hệ này, những quan hệ đó ngày càng phai nhạt hơn.
Bài phân tích trên Asia Times dẫn lời Giáo sư Paul Chambers, giảng viên Đại học Nghiên cứu Cộng đồng Asean tại Đại học Naresuan, nhận định rằng sau năm 1997, ông Hun Sen đã dần dần đưa Campuchia từ cân bằng giữa Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đến một nước Campuchia hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Trong bối cảnh đó, theo Giáo sư Chambers, cũng là lẽ tự nhiên khi Campuchia có phần lơ là với Việt Nam vì được hưởng nhiều lợi ích hơn từ Trung Quốc.
Vẫn theo Asia Times, về mặt lý thuyết, Campuchia tuyên bố vẫn duy trì quan hệ với hai đồng minh một cách ngang hàng. Việt Nam vẫn được hoan nghênh là “đồng minh lịch sử” và là nước đã giải phóng Campuchia khỏi ách Khmer đỏ. Nhưng, trong thực tế, về mặt ngoại giao, Việt Nam bây giờ đóng vai trò thứ yếu so với Trung Quốc.
Giáo sư Sophal Ear, trợ giảng môn Ngoại giao và các Vấn đề quốc tế tại tại Trường Occidental College ở Los Angeles, Hoa Kỳ, nói thực tế là 40 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Trung Quốc, nước từng hậu thuẫn cho Khmer đỏ, lại là nước đã “chinh phục được Campuchia và bây giờ hoàn toàn chi phối Campuchia”.