‘Lâm bò vàng’: Cuộc chiến không tiếng súng

Hình trích xuất từ video trên trang Facebook của Peter Lam Bui.

Hoàng Thành


Từ câu chuyện miếng bít-tết dát vàng, bộ trưởng Công an có nickname là “Lâm bò vàng”. Liệu cư dân mạng còn định “rắc” gì xuống ông nữa đây? Và “rắc” vào ai nữa? Nếu vào các đồng chí bộ trưởng, hay các uỷ viên Bộ chính trị, thì nhớ “rắc” những món lịch sự, đừng quá dậy mùi, kể cả thơm lẫn thối. Xử lý khủng hoảng truyền thông như vừa qua thì đúng là “bốc thơm thành thối”, “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”. Đón rước Tô Lâm linh đình ngay tại sân bay Nội Bài (còn nổi hơn cả Thủ tướng), về nước hôm trước, hôm sau đã bố trí đăng đàn diễn thuyết về pháp luật và đạo đức là hai thứ mà Tô Lâm không hề có (qua vụ “đớp” miếng bít-tết giữa lúc dân đang khốn khổ khốn nạn). Đáng ra, Tô Lâm phải kỷ luật mấy tay công an Đà Nẵng. Làm thế, khác gì “đổ dầu vào lửa”!!! Khổ nỗi, truyền thông được/bị Đảng nuôi trong “tay áo”, nên với bất cứ scandal nào, Đảng đều nghĩ là có thể giải quyết bằng dùi cui và còng số 8.

“Rắc muối”, “Rắc hành”, “Rắc cám”…

Sáng 18/11 thử làm một phép “rắc nhanh”, gõ “bò Tô Lâm”, Google cho “khoảng 25.700.000 kết quả chỉ trong vòng 0.68 giây”. Trời, không thể tin nổi! Thế này thì đích thị là khủng hoảng truyền thông toàn cầu rồi! Khủng hoảng truyền thông cỡ này thì không thể “cứ để lâu cứt trâu hoá bùn” được. Lại càng không có cách nào hiện thực hoá được chủ trương “cứ để mọi việc tự chìm xuồng”. Nó đâu có chịu chìm, nó cứ nổi lềnh phềnh, thậm chí ngày càng nổi như cồn. Nhất là khi Công an Đà Nẵng triệu tập chủ quán bún bò Bùi Tuấn Lâm, người đã quay cảnh bản thân bắt chước đầu bếp nổi tiếng “Salt Bae”. Từ nay chúng ta còn có thể chứng kiến nhiều “hồi” của vở “hí kịch” này, nếu như cao trào “Rắc” sẽ nổi lên như nấm mọc sau mưa!

Từ “bò đỏ” thành “bò vàng”, vụ Tô Lâm không chỉ là phép thử với cá nhân Tổng bí thư, mà còn cả cả đối với hệ thống chính trị, lẫn công quyền Việt Nam. Nếu không giải quyết scandal Tô Lâm đến nơi đến chốn thì các tuyên bố về tự chỉnh đốn, những cam kết nỗ lực loại trừ các đảng viên gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và ngành, chỉ là trò bịp bợm. Nếu 17 uỷ viên còn lại trong Bộ Chính trị đủ sạch, đủ tử tế, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện tập thể ấy nhất trí dung dưỡng những cá nhân như... đồng chí Tô Lâm. Công khai thỏa hiệp với cái sai, cái xấu chỉ có thể xảy ra trong tình huống “cá mè một lứa”. Nếu không là “cá mè một lứa” thì làm sao có chuyện càn rỡ tới mức lập... tổ công tác, dọa dẫm lương dân, chỉ vì dám đùa cợt, xưng là... “Thánh rắc hành”, ảnh hưởng đến uy tín của đồng chí bộ trưởng.

Nếu ĐCSVN dại dột để “Thánh rắc muối” biến cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền của mình thành bung xung cho thiên hạ lên án về đạo đức, tác phong, thì chính công an – ngành do Tô Lâm lãnh đạo – đã kích động để “rắc” trở thành một động từ bày tỏ sự khinh bỉ cái chế độ mà trước nay ngành này vẫn tận tâm, tận lực bảo vệ. Sau vụ dọa dẫm, cưỡng ép “Thánh rắc hành” ở Đà Nẵng nhận lệnh triệu tập, Võ Hồng Ly đưa công khai lên FB một clip giới thiệu việc... “rắc” đậu phộng kèm thông báo: Nhà hàng giờ không dám... “rắc” gì nữa, nên khách phải tự... “rắc” luôn nè. Đà Nẵng có “Thánh rắc hành” thì Sài Gòn cũng có “Thánh rắc đậu phộng”. Trước dấu hiệu... “rắc” có thể trở thành... cao trào, Minhhoang Tran thắc mắc: Có chủ trại heo nào muốn làm... “Thánh rắc cám chưa”?

Liệu mô hình “Công an Đà Nẵng” có được triển khai trong toàn quốc? Lập hẳn không phải một, mà nhiều... tổ công tác, đến tận nhà các “Thánh rắc” để diễu võ, giương oai. Đột nhập vào tư gia, ngoài những người trực tiếp thuyết phục, hay dọa dẫm, ép các “Thánh” nhận Lệnh triệu tập, những người khác hãy vây vòng trong vòng ngoài, thi nhau quay phim, chụp ảnh, gây không khí khủng bố tinh thần đương sự! Thiên hạ không rõ Lâm (Bún bò) có biết cá nhân, tổ chức buôn lậu nào hay không. Chỉ biết, trước đó chừng mươi ngày, ông có trang FB với nick name là Peter Lâm Bùi, trên đó ông đã thực hiện một video clip nhại “rắc... hành” của Nusret Gökçe, hay “Salt Bae” phục vụ Lâm (Bít-tết). Hành động của Lâm (Bún bò) trong video clip ấy na ná như nhân vật đã bôi tro, trát trấu vào cả Lâm (Bít-tết) lẫn chính quyền Việt Nam.

Tô Lâm có “trở cờ” lần thứ hai?

Cũng vào sáng ngày 18/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Ông Trọng đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mới của Trung ương. TBT yêu cầu phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Phát biểu đến đấy, ống kính TV “zoom” cận cảnh, ông Trọng đanh lại, gằn giọng nhắc đến “thanh kiếm và lá chắn” (Công an) rồi lạnh tanh, lẩy câu Kiều: Nghĩ mình phương diện Quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào. Ống kính trở lại với toàn cảnh cuộc họp. Và hàng triệu triệu đôi mắt trước màn hình TV tối và đêm hôm ấy chứng kiến cảnh Tô Lâm cúi gằm mặt xuống, làm như đang nghiên cứu tài liệu… Giải mã mấy giây đồng hồ này, có thể kể ra nhiều câu chuyện liên quan đến “miếng bít-tết” của Tô Lâm. Tiền nhân xưa dạy con cháu: “Miếng ăn là miếng nhục!” Đáng ra ông Trọng không nên “xát muối vào lòng” đàn em như thế. Đáng ra ông phải “thể tình” cho trạng thái “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” của Lâm (Bít-tết). Chẳng gì thì Tô Lâm cũng đã “quay xe”, bỏ Ba Dũng và “bố già” Nguyễn Văn Hưởng đúng lúc thì TBT mới có ngày hôm nay.

Đấy là chưa nói lẩy câu thơ kinh điển ấy, “rằng hay thì thật là hay/ nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Cùng trong một tiếng “tơ lòng” ấy, liệu ông Trọng có biết được, những ai đang “cười nụ”, và những ai đang “khóc thầm”? Mà khóc ở đây là sẽ đi kèm theo “bầm gan tím ruột” chứ không chỉ đau xót như Kiều không thôi. Khôn ra, giờ là lúc TBT không nên chuốc thêm kẻ thù. Ông vừa “gia cố” lại cái “Quy định 19 điều” xem chừng đang vào hồi rệu rã. Ông “lăng xê” thêm cái “miễn nhiệm và từ chức” mà báo Nhân Dân bán dạo là “hành vi văn hóa trong hệ thống chính trị”. Nhưng càng giăng bẫy thì hình như những sợi dây vô hình càng quấn lấy ông. Hãy cẩn trọng! Ông dễ thành Thương Ưởng* bên Trung Quốc lắm, thưa TBT!

Những kẻ muốn “phế” Tô Lâm đang dùng kế “đánh bắc cầu” đấy. Muốn hạ bệ ông, họ quyết tước “thanh kiếm là chắn” đang hộ giá ông! Xin lỗi những ai chưa tỏ tường! Quan chức còn dưới Tô Lâm xa, loại Cục, Vụ, Viện làng nhàng, mỗi buổi nhậu chỉ ba bốn “hiệp sỹ” có kiếm (công an) và không có kiếm (cánh dân sự), “nốc” rượu vài ba chục ngàn USD/một chai là “chuyện hàng ngày ở huyện!” Vì miếng bít-tết cỏn con ấy, ông chớ ép Tô Lâm “trở cờ” lần nữa. Hẳn ông biết, sức ép tứ bề đang đòi thay cái “đảng quyền” (độc tài tham nhũng) bằng cái “pháp quyền” (kể cả là pháp quyền XHCN). Tương quan lực lượng bây giờ là “ba đánh một”. Chính phủ, Quốc hội lẫn Nhà nước qua mấy buổi chất vấn “nảy lửa” ông đã thấy! Số phận Tô Lâm hẳn nhiên không phải một mình ông quyết. Toàn đảng toàn dân biết tội Tô Lâm to lắm. Ông Trọng đã vì “đại cục” mà bỏ qua và gánh chịu cái xú danh “kẻ đốt lò không thiện lương”.

*

Từ nay có thể là lúc ông Trọng nhìn Tô Lâm và “cánh hẩu” dưới trướng ông như là những Hồ Tôn Hiến (Suy ra từ câu Kiều ông lẩy). Nguyễn Phú Trọng biết rất rõ, giờ mà ông ngã ngựa thì “kiến sẽ ăn cá”. Vậy ông sẽ thúc thủ hay giãy dụa tiếp? Vòng vây dường như đang khép dần đối với ông. “Thanh kiếm và lá chắn” đúng là đã rỉ và cũng đã cùn. Nhưng “méo mó có hơn không! ” Trong cuộc chiến không tiếng súng hiện nay, với tuổi tác và sức khoẻ của ông, ông không thể chỉ dùng món võ “lý luận của người Bắc” để dẹp nạn thảo khấu trong cả nước. Như ông thấy đấy, qua chống đại dịch đã có nhiều người đề nghị đổi tên nước thành “Liên bang COVID-19”. Trên bảo dưới không nghe là “cánh én mùa Xuân” báo hiệu cuộc chiến trước sau cũng sẽ kết thúc. Xa xa, ánh bình minh đang ló dạng!

*Thương Ưởng: Vị tướng tài năng, đại biểu xuất sắc của tư tưởng Pháp gia. Những cải cách của ông đã làm cho nước Tần trở nên lớn mạnh, mở đường cho việc thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng sau này. Tuy nhiên hình pháp của ông quá khắc nghiệt, nên không được lòng giới quý tộc, dẫn tới việc ông phải chết thảm.