VOA: Được biết lần đầu tiên bà đặt chân tới Việt Nam là vào năm 1969, khi đó Việt Nam đang chìm trong chiến tranh, tại sao bà lại chọn điểm đến là một nơi bom đạn nguy hiểm như vậy?
Bà Lady Borton: Tại vì hồi chiến tranh tôi làm việc với một tổ chức giúp đỡ dân ở cả ba miền. Tôi cũng là người tham dự phong trào hòa bình, nhưng tôi là một người hay làm việc trực tiếp chứ không phải một người đi ra đường biểu tình hay viết thư v..v. Vì thế tôi muốn có mặt tại đó, muốn làm cái gì đó để giúp đỡ người dân Việt Nam. Lúc mà sang Việt Nam thì ở Quảng Ngãi, ở miền Trung, tôi thấy người dân bình thường ở Việt Nam rất là nghèo, quá nghèo, và tôi rất thông cảm và biết là chiến tranh là không phân biệt, dân miền bắc hay miền nam thì cả hai đều bị chiến tranh rất ác liệt, rất đau khổ. Từ đó đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ người nghèo. Tôi cũng từng làm ở một trại định cư ở Malaysia hồi những người Việt vượt biển sang Mỹ, sang Canada, v.v.
VOA: Sau đó bà có trở lại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, và rồi trong thời gian Mỹ áp đặt lệnh cấm vận Việt Nam, bà đã trở thành một trong những “người Mỹ thầm lặng”, những người đã đóng góp rất nhiều vào quá trình thúc đẩy cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, chắc hẳn bà còn nhớ những khó khăn của giai đoạn ấy?
Bà Lady Borton: Có, tôi còn nhớ. Ví dụ lúc chiến tranh gần kết thúc, tháng 3, tháng 4 năm 1975, tôi cũng được mời đi ra miền bắc, như thế tôi biết cả miền bắc và miền nam hồi chiến tranh. Từ năm 1975 đến 1990, hoặc cuối những năm 1980 ít có người Mỹ làm việc cùng với Việt Nam. Tôi cũng có dịp trở lại Việt Nam thời đó vào cuối những năm 80 để nghiên cứu một cuốn sách kể về người dân bình thường tại Việt Nam, lý do là tôi đã xuất bản một cuốn sách về những người gốc Việt vượt biển sang nước ngoài.
Thời đó, phía Việt Nam vẫn chưa mở cửa vì vẫn còn chiến tranh, chiến tranh ở Campuchia rồi chiến tranh với Trung Quốc. Chính phủ Mỹ thì không tham dự hai cuộc chiến đó, nhưng họ ủng hộ Khmer Đỏ và ủng hộ việc Trung Quốc xâm lược vào Việt Nam. Vì thế mà quan hệ giữa chính phủ hai nước rất khó khăn, nhưng mà về phía người dân Việt Nam thì họ rất muốn có quan hệ bình thường và phía Mỹ cũng có những người cố gắng để làm việc trực tiếp với nhau. Tại vì để hai chính phủ gặp nhau thì phải có dân đi trước.
Lúc chiến tranh kết thúc, chính phủ Mỹ không có quan hệ gì với những người của chính phủ Việt Nam, vì thế để lập lại quan hệ thì phải có những người liên lạc, trong đó thì theo tôi có hai người rất đặc biệt, đó là ông Dave Elder và một người nữa là ông John McAuliff. Họ đã đi lại giữa Washington và New York, lúc mà mới chỉ có đại diện của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc chứ chưa có tại Washington, và hai chính phủ thì chưa gặp nhau. Có vài người Mỹ đã đi cả hai bên để liên lạc và sau đó mọi liên hệ mới bắt đầu mở ra.
VOA: Theo bà những yếu tố nào là quan trọng nhất trên con đường đưa Mỹ và Việt nam tới mốc bình thường hóa vào năm 1995?
Bà Lady Borton: Theo tôi thời gian quan trọng nhất là từ lúc Việt Nam có đại diện ở Liên Hiệp Quốc, đó là năm 77. Thời đó thì chính phủ Mỹ, nghĩa là bộ ngoại giao Mỹ, không cho phép đại diện chính phủ Việt Nam được đi ra ngoài khu vực Manhattan mà họ phải ở khu vực của Liên Hiệp Quốc. Mùa hè nào chúng tôi cũng xin phép Bộ Ngoại giao Mỹ để mời họ đi vào Philadelphia dự picnic vào cuối tuần cùng với những người Mỹ trong phong trào (hòa bình) và cũng có một số người Việt tại Mỹ để gặp gỡ nhau. Đó không phải là những cuộc hội thảo hay họp hành mà chỉ là những cuộc họp mặt vui vẻ để mở ra quan hệ. Bắt đầu chỉ có vài người thôi, sau đó mới mở rộng ra. Theo tôi thời gian đó rất quan trọng, nếu mà không có thời đó và không có những người tổ chức những sự kiện đó, nhất là ông Dave Elder và ông John McAuliff thì bây giờ để kỷ niệm 15 năm chắc là chưa có.
VOA: Qua 15 năm, hai nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các mối quan hệ như kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và kể cả quốc phòng và trong buổi họp báo tại Hà Nội nhân dịp năm mới 2010, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak có nhận định là bức tranh hợp tác song phương khá tươi sáng, tuy nhiên ông cũng nói rằng Mỹ vẫn còn quan ngại trước một số diễn biến về nhân quyền. Ông Đại sứ đã nhắc đến các vụ xét xử các nhà bất đồng chính kiến và ông cho rằng “những vụ này ảnh hưởng tới quan hệ hai bên và nó ảnh hưởng tới cách thức người dân Mỹ nhìn nhận người dân Việt Nam, cách Quốc hội và chính phủ Mỹ nhìn nhận Việt Nam”. Còn ý kiến của bà thì sao thưa bà, với tư cách là một người dân Mỹ?
Bà Lady Borton: Về vấn đề nhân quyền, theo ý kiến riêng của tôi nếu so sánh với năm 1990, thì ví dụ như tôi, nếu mà đi đường, hay đi tập thể dục ở công viên mà gặp ai mà muốn nói cái gì thì có thể dừng lại và nói được, nhưng trước đó thì chưa được. Lý do là tại vì trước đó Việt Nam bị chiến tranh, như vậy, theo tôi từ năm 1990 đến bây giờ Việt Nam cởi mở rất nhanh nhưng mà chưa mở ra tất cả, tại vì chính phủ Việt Nam cũng phải lo đối phó với một số nhóm những người bây giờ đang chống Việt Nam. Tại vì họ lo việc đó thì họ chưa mở ra hoàn toàn được. Cái đó rất khó, muốn mở ra thì cả hai bên vẫn phải tiếp tục đối thoại với nhau, nếu hai bên có dịp gặp nhau, không cần đông người mà chỉ cần vài người gặp gỡ và bắt đầu tìm hiểu về nhau.
Nếu những người Việt ở nước ngoài mà họ trở lại Việt Nam thì họ sẽ thấy là Việt Nam không giống như những gì mà họ nhớ trước kia. Ví dụ tôi có gặp những người rời khỏi Việt Nam từ những năm 1980 và tị nạn ở Bidong, thì khi trở lại Việt Nam họ nhận thấy là Việt Nam bây giờ không phải giống năm 1980 đâu.
Còn một vấn đề quan trọng nữa là những vấn đề gì mà muốn viết trên báo thì còn bị hạn chế, nếu muốn nói về tham nhũng thì cũng bị hạn chế.
VOA: Hiện tại được biết là bà thường xuyên đi lại giữa hai nước để thực hiện các hoạt động từ thiện, vậy theo bà ở Việt Nam vấn đề gì là nổi cộm nhất mà nó có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thế giới?
Bà Lady Borton: Theo ý kiến riêng của tôi và những người bạn Việt Nam của tôi thì vấn đề khó nhất là tham nhũng, vấn đề đó thì ở nước nào cũng có, bên Mỹ cũng có, nhưng mà ở Việt Nam thì tham nhũng xảy ra ở cả nước. Vấn đề quan trọng nhất và khó nhất để xử lý là nạn tham nhũng trong hệ thống giáo dục, vì trẻ con bé tí ti mà đi học cũng phải học thêm, phải trả thêm tiền, có nghĩa là trẻ con lúc bé mà đã học về tham nhũng rồi. Theo mình vấn đề đó không liên quan đến chiến tranh, vấn đề đó không phải là nỗi buồn của chiến tranh, cái đó là vấn đề trong nước chứ không phải vấn đề (du nhập) ở nước ngoài vào.
VOA: Xin cảm ơn bà rất nhiều.
Bà Lady Borton là một nhà báo, nhà văn, dịch giả và nhà nghiên cứu lịch sử. Bà đã nhận được 3 tấm bằng danh dự vì những đóng góp của bà trong suốt 40 năm qua cho cả hai phía, trong và sau chiến tranh Việt Nam. Hiện tại bà vẫn tiếp tục các hoạt động giúp hai bên xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn.
Bà là tác giả của nhiều cuốn sách về Việt Nam như: ‘Sensing The Enemy: An American Among The Boat People of Viet Nam (1984)’; ‘After Sorrow: An American Among The Vietnamese (1995, 1996)’, bà cũng đã dịch một số cuốn sách tiếng Việt sang tiếng Anh.