Ủy ban bầu cử trung ương Kyrgyztan cho hay 90 phần trăm cử tri đã bỏ phiếu tán thành một bản hiến pháp mới có tác dụng gia tăng quyền hạn của quốc hội và đặt nền tảng cho các cuộc tổng tuyển cử toàn quốc.
Nhà lãnh đạo lâm thời của Kyrgyztan, bà Roza Otunbayeva, đã loan báo kết quả bầu cử.
Bà nói rằng cuộc trưng cầu dân ý có giá trị và thành công bất kể sự phản kháng của phe chống đối.
Bà Otunbayeva đã vận động cho cuộc trưng cầu dân ý mặc dù có những lời kêu gọi trì hoãn, sau khi xảy ra những vụ xung đột giữa các sắc tộc ở miền nam hồi đầu tháng này. Cuộc giao tranh đã làm hàng trăm người thiệt mạng và khiến khoảng 400 ngàn người bị thất tán – chủ yếu là người sắc tộc Uzbekistan.
Chính phủ lâm thời, lên nắm quyền sau khi Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ hồi tháng 4, hy vọng việc chấp thuận bản hiến pháp mới sẽ đem lại cho chính phủ thêm tính hợp pháp.
Một số thành viên của phe đối lập cáo buộc chính phủ là giả mạo kết quả cuộc trưng cầu dân ý và số cử tri đi bầu được báo cáo là 70 phần trăm.
Các quan sát viên quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu OSCE nói rằng giới hữu trách Kyrgyztan, phần lớn, đã tiến hành cuộc bầu cử một cách minh bạch.
Ông Jens Eschenbaecher là một người phát ngôn của Văn phòng OSCE ở châu Âu đặc trách về Cơ chế Dân chủ và Nhân quyền: “Trong các điều kiện cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, giới hữu trách đã làm công tác tốt trong việc tổ chức tiến trình này. Những tháng sắp tới sẽ là lúc để giải quyết khuyết điểm đã được quan sát thay thế cho các cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm nay.”
Viện dẫn các khuyết điểm, tổ chức OSCE nói rằng tiến trình đăng ký là chưa hoàn hảo và chưa có đủ các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn việc bỏ phiếu nhiều lần.
Trong khi đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Canada, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng ông nghi ngờ rằng chính phủ mới ở Kyrgyztan sẽ hữu hiệu.
Ông Medvedev nói ông không thể hình dung mô thức nghị viện cộng hòa sẽ có tác dụng tại Kyrgyztan. Ông cũng bầy tỏ quan ngại rằng một chính phủ yếu sẽ để cho các thành phần cực đoan lấn quyền.
Nhưng ông Sergei Abashin, một chuyên gia phân tích thuộc Hàn lâm viện Khoa học Nga, nói rằng chính thể mới có thể là một sự cải tiến cho Kyrgyztan, mà ông cho rằng đã bị đặt dưới sự cai trị trong 20 năm của một loạt các tổng thống mạnh tay.
Ông Abashin nói rằng phe đối lập bị đẩy ra ngoài chính trường và xuống đường, tạo tình huống cho bạo động – gây ra những cuộc khởi nghĩa và các cuộc biểu tình không dứt – và chứng tỏ sự cai trị độc tài là không có hiệu quả.
Ông Abashin mô tả hệ thống nghị viện mới của Kyrgyztan là một cuộc “thử nghiệm” và nói nó có the thành công nếu bao gồm các phe phái chính trị khác nhau trong tiến trình.
Kyrgyztan là một nước Cộng hòa Sô-viết cũ chứa cả các căn cứ quân sự của cả Nga lẫn Hoa Kỳ. Nga đã tỏ ra quan ngại trước đây về tình trạng thiếu an ninh trong nước và vai trò của nước này như con đường chính để buôn lậu ma túy.