25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ: khuôn mẫu cho Triều Tiên?

  • Jason Sthother

Hình vẽ kỷ niệm 25 năm sụp đổ của bức tường Berlin tại những gì còn lại của bức tường năm xưa tại Berlin, ngày 3/11/2014.

Ngày 9 tháng 11 đánh dấu 25 năm ngày bức tường Berlin, biểu tượng của Chiến tranh Lạnh chia đôi Đông và Tây sụp đổ. Việc này mở đường cho một nước Đức thống nhất và chấm dứt những chế độ cộng sản tại châu Âu. Tuy nhiên ranh giới của Chiến tranh Lạnh vẫn còn tại châu Á, trên bán đảo Triều Tiên, nơi hiện chưa có dấu hiệu gì về thống nhất. Từ Seoul, Thông tín viên Jason Strother nhìn lại việc hội nhập của nước Đức một phần tư thế kỷ trước đây để xem việc này có thể dùng làm mẫu mực cho Bắc và Nam Triều Tiên hay không.

Khi cư dân của Đông và Tây Berlin đập vỡ bức tường chia đôi thành phố trong 3 thập niên, hình ảnh này được thấy trên toàn thế giới.

Nhưng không phải như thế tại Bắc Triều Tiên, đồng minh thân cận của Đông Đức.

Vào thời điểm này, ông Park Gun-ha ở trong tuổi 20 và hoàn tất nghĩa vụ quân sự tại Bắc Triều Tiên. Ông nói có rất ít tin tức về việc thống nhất nước Đức được nghe đến.

Ông nói ông không hề được biết tại sao hai nước Đức thống nhất. Ông nhớ lại là truyền thông Bắc Triều Tiên xem việc bức tường Berlin sụp đổ như là kết quả của những người theo chủ nghĩa cơ hội hư hỏng tại Đông Đức. Ông Park nói thêm là cho đến khi ông đào thoát sang Nam Triều Tiên vào năm 2005 ông mới biết được hoàn toàn câu chuyện.

Việc chia đôi bán đảo Triều Tiên là di sản còn kéo dài của Chiến tranh Lạnh. Hàng ngàn gia đình vẫn còn bị chia cách vì vùng phi quân sự, những cuộc đối thoại xuyên biên giới ít xảy ra và căng thẳng quân sự thường lên cao.

Tuy nhiên một số quan sát viên nói kinh nghiệm của Đức có thể giúp hướng dẫn cả hai nước Triều Tiên đi đến chỗ thống nhất.

Ông Bernhard Seliger đứng đầu tổ chức Hanns-Seidel Foundation của Đức tại Seoul nói.

“Đức chắc chắn là một trường hợp thú vị để xem xét. Có nhiều trường hợp thống nhất thành công nhưng ít trường hợp xảy ra trong hòa bình. Trong ý nghĩa đó thì việc người Triều Tiên nhìn vào nước Đức là điều dễ hiểu.”

Những mảnh tường của Bức tường Berlin được trưng bày để bán tại thành phố Teltow, gần Berlin.

Tuy nhiên ông Seliger nói có nhiều khác biệt trong tình hình của Đức và Triều Tiên cũng như có nhiều điểm giống nhau.

Chẳng hạn như có sự khác biệt lớn lao về kinh tế giữa hai nước Triều Tiên hơn là hai nước Đức. Thiếu những định chế hai nước cùng chia sẻ, như Giáo hội Đức. Và không giống Đông Đức lúc bấy giờ, có nhiều tranh chấp về lãnh thổ và lịch sử chưa được giải quyết giữa các nước tại đông bắc Á.

Và ông Seliger ghi nhận là việc thống nhất nước Đức tạo nên những vấn đề mới cho nước này. Phải mất nhiều năm để vượt qua khoảng cách giàu nghèo và văn hoá giữa Đông và Tây. Ông nói thêm là những thời điểm khó khăn đó làm cho người Nam Triều Tiên không muốn hội nhập theo kiểu Đức.

“Tôi thấy những thời gian, cách đây 10-15 năm, người Triều Tiên nói, người Nam Triều Tiên nói, chắc chắn chúng tôi không muốn theo kiểu Đức. Việc này dẫn đến những thách thức kinh tế to lớn, những rạn nứt trong nước.”

Ông Seliger nói phải mất khoảng hai thập niên để cho hầu hết những bất bình đẳng giữa Đông và Tây Đức biến mất.

Tuy nhiên ông Seliger và những nhà quan sát về Triều Tiên khác cho biết là cái giá phải trả cho việc thống nhất tại đây làm cho nhiều người trẻ Nam Triều Tiên không quan tâm đến việc thống nhất với miền Bắc.

Ông Lars-André Richter người đứng đầu Tổ chức Friedrich-Nauman vì Tự do, có trụ sở tại Seoul nói sau gần 70 năm chia cắt, việc không quan tâm này không có gì đáng ngạc nhiên.

“Họ quá trẻ để nhớ lại, ngay cả cha mẹ họ cũng quá trẻ để nhớ một nước Triều Tiên không bị chia cắt. Bạn mất sự liên hệ về tình cảm.”

Ông Richter nói việc này không giống như nước Đức, việc chia cắt chỉ vào khoảng 40 năm.

Người đào thoát Bắc Triều Tiên Park Gun-ha hiện làm việc cho một hiệp hội cựu viên chức chính phủ Bắc Triều Tiên tại Seoul, không chắc việc thống nhất nước Đức là kiểu mẫu thích hợp cho Triều Tiên. Ông nói các nhà lãnh đạo Đông Đức đồng ý cải cách trước khi nước này hội nhập vào Tây Đức. Động thái như thế được xem như không thể nào xảy ra tại Bắc Triều Tiên hiện nay.

Ông Park nói sẽ là một tình hình lý tưởng nếu chính phủ Bắc Triều Tiên trở nên dân chủ hơn và tiến về phía thống nhất một cách hòa bình, nhưng việc này chắc chắn không xảy ra. Ông nói thêm là Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ quyền hành.

Ông Park nói giống như nước Đức, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra bất thình lình, nhưng chỉ sau khi Bắc Triều Tiên sụp đổ.