Ký giả gốc Việt phải rời Mỹ sang Anh lánh nạn vì bị Antifa dọa giết

Ký giả Andy Ngô tại buổi điều trần trực tuyến ở Hạ viện Hoa Kỳ ngày 24-02-2021. Photo YouTube Andy Ngo

Ký giả gốc Việt Andy Ngô nói với VOA rằng ông phải rời Hoa Kỳ sang Anh Quốc lánh nạn vì ông liên tục bị nhóm Antifa dọa giết trong khi chính quyền thành phố Portland không có động thái gì để bảo vệ ông.

Từ London, ông cho biết: “Thành phố Portland, bang Oregon, là quê nhà của tôi nhưng tôi đã phải rời đi vì ngày càng có nhiều lời đe dọa giết chết tôi và nhiều lời đe dọa tấn công tôi bằng bạo lực diễn ra trong hơn một năm qua”.

“Tôi đã trình báo tất cả điều này cho cảnh sát Portland nhưng họ làm ngơ”, ông cho VOA biết thêm.

VOA đã liên lạc với văn phòng cảnh sát thành phố Portland để tìm hiểu thêm về cáo cuộc của ký giả Ngô, và được Trung úy Greg Pashley trả lời rằng: “Văn phòng Cảnh sát Portland khuyến khích bất kỳ nạn nhân tội phạm nào nên báo cáo với cảnh sát và nên giữ liên lạc với điều tra viên và công tố viên quận về trường hợp của họ.”

Your browser doesn’t support HTML5

Mỹ: Biểu tình bạo động sau lễ nhậm chức của ông Biden

Thông tin về việc ký giả Andy Ngô rời khỏi Hoa Kỳ được đài truyền hình Fox News loan báo đầu tiên hôm 6/4.

Thành phố Portland, bang Oregon, là quê nhà của tôi nhưng tôi đã phải rời đi vì ngày càng có nhiều lời đe dọa giết chết tôi và nhiều lời đe dọa tấn công tôi bằng bạo lực diễn ra trong hơn một năm qua.
Nhà báo Andy Ngô nói với VOA Tiếng Việt

Andy Cường Ngô, 33 tuổi, được biết là nhà báo, tổng biên tập cho trang báo cánh hữu The Post Millennial, chuyên tường thuật và viết bài về các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống phát-xít (Antifa). Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Portland, cha mẹ ông là thuyền nhân rời Việt Nam năm 1978 và sau đó đến Hoa Kỳ tị nạn.

Portland là một thành phố có đông người da trắng, được biết đến là một trong những thành phố cấp tiến nhất nước Mỹ, là nơi chứng kiến các cuộc biểu tình ròng rã, đôi khi trở thành bạo loạn từ nhiều năm qua.

“Portland đã kết với tôi một cách điên rồ như thế nhưng tôi phải rời Hoa Kỳ thay vì đến một thành phố khác bởi vì tôi cảm thấy khá chán nản về tình hình mọi thứ ở Hoa Kỳ và những vấn đề mà tôi thấy ở Portland nay không chỉ có ở Portland, mà tôi nghĩ là chúng có mặt ở hầu hết các khu vực đô thị lớn”, Andy Ngô chia sẻ với VOA.

“Chúng tôi thấy có sự giảm sút trong việc thực thi pháp luật. Và vì thế tội phạm bạo lực leo thang và tôi chỉ cần ra đi”, ông Ngô nói tiếp.

Nhà báo Andy Ngô.

Khi còn là sinh viên, ông Andy đã quan tâm đến Antifa và sau này càng quyết tâm theo đuổi đề tài này nhiều hơn. Nhất là kể từ năm 2017 đến năm 2018, khi ông bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa những gì mình nhìn thấy tại các cuộc bạo động so với những gì được báo chí đưa tin, ông chia sẻ.

Khi đưa tin về một cuộc biểu tình của nhóm Antifa vào năm 2019, ông đã bị một đám đông các thành viên Antifa đeo mặt nạ tấn công và ông phải nhập viện.

Andy Ngô cũng là tác giả của quyển sách bán chạy nhất của New York Times, “Unmasked: Inside Antifa’s Radical Plan to Destroy Democracy”. (Tạm dịch “Vạch mặt: Bên trong kế hoạch triệt để của Antifa nhằm phá hủy nền dân chủ”)

Trong “Unmasked”, ký giả Andy Ngô không chỉ khám phá lịch sử của Antifa ở trong và ngoài nước Mỹ, mà còn cả những kinh nghiệm của bản thân về những gì ông mô tả là “một cộng đồng có tổ chức gồm những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cực đoan, cánh tả.”

Trong suốt nhiều năm, ký giả Andy Ngô đã phải chịu đựng các cuộc tấn công thể xác từ những người trong đám đông trong khi ông chỉ đơn thuần đưa tin về Antifa hoặc các sự kiện của những người cấp tiến cánh tả, và thậm chí có cả những vị khách không mời mà đến nhà của mình và nhà của cha mẹ ông, ông viết trong Unmasked.

Trong cuốn sách của mình, Andy Ngô phản đối việc cho rằng “Antifa không chỉ đơn thuần là ‘chống phát xít’”. Thay vào đó, ông viết, đó là “một phong trào cực đoan bạo lực tấn công tất cả các loại mục tiêu, dưới chiêu bài ‘chống chủ nghĩa phát xít’”.

Ông viết: “Kế hoạch hiện tại của Antifa là tạo ra một hệ thống phi tập trung gồm các chi bộ và các nhóm chung sở thích có cùng hệ tư tưởng thông qua tuyên truyền phổ biến và các tài liệu”.

“Mục tiêu là gây ra thiệt hại tối đa mà không gây tử vong và duy trì động lực bạo loạn để tiêu hao nguồn lực của chính phủ và tinh thần thực thi pháp luật”, ông viết tiếp.

XEM THÊM: Bạo loạn ở Portland: ‘Hy vọng chính quyền mạnh tay hơn’


Ký giả gốc Việt cho rằng các thành viên Antifa được “huấn luyện đặc biệt cho hoạt động bạo lực đường phố”.

Trong một cuộc phỏng vấn được Fox News công bố hôm 5/4, Andy Ngô nói rằng ông rời nước Mỹ do “lo ngại về an toàn leo thang”.

“Sau mỗi cuộc bạo động xảy ra ở Portland và Seattle, những gì báo chí địa phương đưa tin không phải là bức tranh trung thực về những chiến binh đeo mặt nạ này thực sự là ai”, ông Andy Ngô nói với đài Fox News.

Phát biểu với các nhà lập pháp vào tháng 9, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết Antifa “không phải là một nhóm hay một tổ chức. Đó là một phong trào hay một hệ tư tưởng,” theo Fox News.

Nhưng ông Wray cũng lưu ý rằng Antifa là một “điều có thật” và FBI trước đó đã thực hiện “bất kỳ số lượng điều tra được dự đoán chính xác nào về những gì chúng tôi mô tả là những kẻ cực đoan vô chính phủ và mang tính bạo lực.”

XEM THÊM: Biểu tình ở Portland: ‘Không thể để kéo dài mãi’

Điều trần trước Uỷ ban Tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 24/2/2021, ký giả Andy Ngô nói: “Kể từ năm 2016 tôi đã chứng kiến những kẻ cực đoan bạo lực từ phong trào Antifa và những người khác đã có hành động bạo lực chính trị như thế nào trên đường phố ở quê nhà tôi. Vậy mà các chính trị gia địa phương làm ngơ trước bạo lực”.

Ông phát biểu thêm: “Chủ nghĩa khủng bố cánh tả không phải là điều mới mẻ ở Hoa Kỳ. Nó có lịch sử lâu đời vào nửa sau thế kỷ 20 nơi các nhóm như Weather Underground, Black Liberation Army và Tổ chức Cộng sản 19/5 thực hiện các vụ đánh bom, cướp bóc và vượt ngục lấy danh nghĩa ‘chống phân biệt chủng tộc’. Antifa đang tiếp tục di sản đó ngày nay và sử dụng bình phong ‘chống chủ nghĩa phát xít’ để khỏi bị chỉ trích, và để đánh lừa những người có thiện chí trở thành đồng minh”.