Các đại diện Bắc Triều Tiên rời bỏ cuộc họp với Nam Triều Tiên

Giới chức quân sự của Bắc và Nam Triều Tiên đàm phán tại 'tòa nhà Hòa bình' trong khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên, ngày 8/2/2011

Các cuộc hội đàm quân sự sơ bộ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã kết thúc mà không có kết quả. Hai bên trước đó đã hy vọng có thể dàn xếp được một cuộc họp giữa các sĩ quan cấp cao hơn. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Các sĩ quan cấp đại tá của quân đội hai miền nam bắc đã tiếp tục các cuộc hội đàm sang ngày thứ hai tại làng đình chiến Bản Môn Điểm ở biên giới. Tuy nhiên, cuộc họp chiều hôm nay chỉ kéo dài 20 phút. Một giới chức Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết đoàn đại diện của Bắc Triều Tiên đã "bước ra khỏi cuộc họp".

Các cuộc hội đàm kết thúc mà không đạt được một kết quả nào về nghị trình cho cuộc họp sĩ quan cấp cao hơn, ngay cả không thỏa thuận được ngày giờ cho một cuộc họp cấp công tác khác.

Tuy nhiên hai nước Triều Tiên đang xem xét việc nối lại các cuộc họp của Hội Chữ thập đỏ để có thể tổ chức lại các cuộc hội ngộ cho các gia đình bị li tán mấy mươi năm qua trên Bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Lee Jong-joo của Bộ Thống Nhất cho biết hôm nay Seoul đã trả lời miền bắc về yêu cầu mở lại các cuộc đối thoại về vấn đề nhân đạo.

Bà Lee nói rằng thông báo này không có nghĩa là Hội Chữ thập đỏ của hai bên sẽ thực sự mở lại các cuộc họp, mà đúng hơn là miền Nam đồng ý trên nguyên tắc đối với đề nghị cua miền Bắc là các cuộc họp nên được mở lại. Bà Lee nói thêm rằng chi tiết của cuộc họp sẽ được thảo luận trong lúc Seoul quan sát tình hình của các mối quan hệ giữa hai nước.

Các cuộc đàm phán quân sự trước đó đã tạo ra hy vọng là căng thẳng sẽ giảm bớt trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng các giới chức ở Seoul nói rằng đoàn đại diện của miền Bắc đã bác bỏ ý định của miền Nam tập trung thảo luận về hai vụ tấn công gây thiệt hại nhân mạng hôài năm ngoái.

Seoul nhất mực đòi Bình Nhưỡng xin lỗi về vụ một chiến hạm của hải quân Nam Triều Tiên bị đắm hồi tháng 3 năm ngoái, và một vụ bắn trọng pháo vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11.

Bắc Triều Tiên bác bỏ mọi dính líu vào vụ nổ đánh chìm chiến hạm của Nam Triều Tiên ở Hoàng Hải. Miền bắc đã ngỏ lời chia buồn về các thương vong nơi thường dân nhưng không xin lỗi vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong.

Các giới chức gợi ý rằng thất bại của các cuộc hội đàm quân sự có thể dẫn đến việc trì hoãn các cuộc họp của Hội Chữ thập đỏ.

Cũng trong ngày hôm nay, Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ cho phép 31 người Bắc Triều Tiên bị trôi dạt vào vùng biển Nam Triều Tiên về lại miền Bắc. Họ là những người đi trên một chiếc tàu đánh cá đã băng sang vùng biên giới trên biển của miền Nam hôm thứ Bảy. Những người này đã được đến Incheon để giới hữu trách Nam Triều Tiên thẩm vấn.

Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Seoul trả lại số người này.

Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên nói rằng họ tôn trọng sự "quyền tự do" của các cá nhân này, và không có ai trong số người này bày tỏ mong muốn đào tị.

Hai miền Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Sau cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 3 năm hồi đầu thập niên 1950, một hiệp ước đình chiến - nhưng không phải một hòa ước - đã có hiệu lực.