Hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến, một bài báo của hãng tin Bloomberg nhận định.
Trong bài báo có tựa đề “(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa”, tác giả Andy Mukherjee, cây bút bình luận về kinh tế-tài chính của Bloomberg, lưu ý rằng chỉ mới bốn năm trước, thị trường chứng khoán Thành phố HCM có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu đô la Mỹ một ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp năm lần. Đến năm nay, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Philippines.
Lý do thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Hệ thống ngân hàng vốn chìm đắm trong tỷ lệ nợ xấu cao nhất vùng Đông Nam Á hồi năm 2012, hiện nay đã “sạch hơn rất nhiều” và “đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại”. Một ví dụ là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, một trong những nhà băng nhỏ được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã đưa tỷ lệ tài sản không sinh lợi của mình từ mức 5% vào giữa năm 2013 xuống còn 1,4%. Số dư cho vay của ngân hàng này đã tăng từ mức ít hơn 5 tỷ đô la Mỹ hồi năm 2013 lên gần 12 tỷ đô la.
Thứ hai là, Đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang quyết tâm thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hồi đầu tháng này, Ủy ban Đầu tư Chứng khoán Nhà nước đã cho bán 3,33% cổ phần của công ty sữa Vinamilk cho một bộ phận của Jardine Matheson Holdings Ltd. Tập đoàn đa ngành được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore này đã sở hữu 10% cổ phần của Vinamilk và hiện đang muốn mua thêm. Tập đoàn Bia và Nước Giải khát Sài Gòn, Sabeco, cũng đang nằm trong danh sách sắp được cổ phần hóa. Chính phủ Việt Nam đã có buổi giới thiệu với các nhà đầu tư ở Singapore hồi tuần trước và họ đang hy vọng sẽ bán được một khối lượng cổ phần lớn của tập đoàn bia này.
Cuối cùng, Việt Nam đã gia nhập vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh ở châu Á. Mặt hàng xuất khẩu số một hiện nay của nước này không còn là sản phẩm may mặc, giày dép, thủy hải sản, cà phê và hạt điều nữa mà là linh kiện điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt 29% lên 36,5 tỷ Mỹ kim trong năm nay.
Nền kinh tế toàn cầu đang vững mạnh cũng giúp nâng đỡ các nền kinh tế châu Á lên, do đó các thị trường như Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines có thể đem đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, doanh số 3,3 tỷ đô la Mỹ chào bán cổ phần ra công chúng ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm ngoái – trong đó có nhà bán lẻ Vincom Retail JSC – khiến Việt Nam trở thành thị trường IPO sôi động thứ ba ở châu Á sau Singapore và Malaysia. Đợt IPO trị giá 300 triệu đô la của Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chấm dứt vào cuối năm nay.
Cộng thêm vào đó là sự tăng trưởng gần 12% đầu tư trực tiếp nước ngoài, lên mức 16 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay FDI chiếm 8% GDP vào khoảng 203 tỷ đô la của Việt Nam. Trên thị trường tài chính, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ ước tính hiện nay có 12 mã chứng khoán trên thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch 3 triệu đô la Mỹ một ngày. Hồi năm 2015 chỉ có hai mã.
Vì những lý do đó, bài báo kết luận rằng Việt Nam “không còn là thị trường bên lề” nữa.