Kinh tế Trung Quốc đang theo chiều hướng đi xuống?

  • Stephanie Ho

Giấy bạc 100 đồng nguyên của Trung Quốc

Vào lúc Hoa Kỳ và châu Âu cố gắng phục hồi sau các vụ khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc vẫn là một trong các điểm sáng của thế giới. Nhưng các số liệu mới đây cho thấy mức tăng trưởng nhanh chóng của nước này đang chậm lại.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tỏ dấu cho thấy là giới lãnh đạo cấp cao nhất của nước này đang quan ngại về một tình trạng kinh tế trì trệ có thể sẽ diễn ra. Ông kêu gọi chính phủ thực thi các chính sách để chống lại “áp lực đi xuống to lớn” đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhận định của ông Ôn Gia Bảo báo trước các số liệu tăng trưởng trong quý hai năm nay, được phát ngôn viên Thịnh Lai Vận của Tổng cục Thống kê Nhà nước loan báo hôm nay.

Ông Thịnh cho biết nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 7,8% trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, ông nói tăng trưởng kinh tế trong quý hai năm nay chậm lại ở mức 7,8% so với mức 8,1% trong quý đầu.

Ông thừa nhận rằng đây là lần đầu tiên trong 3 năm tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt xuống dưới mức 8%, nhưng ông nói thêm rằng ông không nghĩ đó là một điều xấu.

Theo ông Thịnh, mọi người không nên chỉ chú mục vào các con số, mà còn phải tính đến các yếu tố không cụ thể trong nước và bên ngoài. Theo quan điểm này, ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì điều ông gọi là một sự tăng trưởng đều đặn.

Ông Tống Hồng là một chuyên gia về thương mại tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông nói áp lực mà Thủ tướng Trung Quốc bàn đến một phần là do các số liệu về thương mại giảm sút, mà ông quy cho những khó khăn về nợ nần ở châu Âu và trận động đất ở Nhật Bản năm 2011. Ðồng thời ông nói ông nghĩ rằng nhu cầu trong nước ở Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ giúp kéo toàn bộ nền kinh tế đi lên.

Ông Hồng nói nhu cầu về những thứ như dầu hỏa và xe hơi đang gia tăng nhanh chóng, và nhu cầu của giới tiêu thụ Trung Quốc sẽ nhanh hơn bất kỳ biện pháp kích hoạt nào của chính phủ nhằm đẩy mạnh nhập khẩu.

Các số liệu mới nhất về tăng trưởng là các con số thấp nhất kể từ sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng vẫn còn cao hơn so với chỉ tiêu chính thức là 7,5%.

Ông Stephen Green, thuộc Ngân Hàng Standard Chartered, nói ông nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp ngắn hạn để tìm cách tránh né tình trạng kinh tế đi xuống. Ông Green phân tích:

“Các biện pháp loại này – như giảm lãi suất, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, thêm tiền dành cho cơ sở hạ tầng - ắt sẽ giúp ổn định hóa nền kinh tế. Và chúng tôi nghĩa rằng vào một thời điểm nào đó khoảng tháng 8, tháng 9 chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu rõ ràng hơn là nền kinh tế đã được ổn định hóa và bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn.”

Tuy nhiên, ông Green nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc cần phải trải qua nhiều cải cách sâu rộng hơn nếu muốn có sự tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn.

Ông cho rằng một thách thức chính sẽ là giảm thiểu sự hiện diện của các công ty quốc doanh trong mọi ngành công nghiệp - kể cả vận chuyển, tài chính và chăm sóc y tế. Ông nói:

“Có thể so sánh như ta mở cửa vào một cái phòng, mời khu vực tư nhân bước vào, và rồi nhìn thấy những con voi lớn này trong căn phòng đó mà không có cách nào để thực sự bước vào, bởi vì các công ty nhà nước đã chiếm ngự các khu vực này. Do đó điều mà ta muốn thấy là những hành động quyết liệt hơn – Cá nhân tôi cho rằng nếu thực sự nghiêm túc để cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành hỏa xa, hay cầu đường, bệnh viện, ta phải nhìn thấy khu vực nhà nước bắt đầu bán một số tích sản để tạo chỗ đứng cho khu vực tư nhân tham gia.”

Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy những mối quan ngại quốc tế về sự trì trệ kinh tế của họ, nhưng không lấy làm hoảng hốt.

Trước đây trong tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân tuyên bố một số các ước tính là tốt đẹp và một số là tiêu cực, nhưng không phải tất cả đều chính xác.

Ông Lưu nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực thi việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô với các luật lệ theo đúng các điều kiên thực sự của nền kinh tế.
Ông cũng gợi ý rằng sự trì trệ là cố ý. Ông cho rằng trong những ngày này, khi nói về nền kinh tế Trung Quốc, thì chính phủ “nay đặt nặng vào phẩm chất hơn là số lượng.” http://www.youtube.com/embed/OKvsXH6WcPI