Ngày Thứ Năm 28 tháng Ba, Chỉ số S&P 500 của Thị trường Chứng khoán New York tăng thêm 0.1% trên mức kỷ lục ngày hôm trước, cũng như Chỉ số Dow Jones. Ba tháng đầu năm nay S&P 500 tăng 10.2%; Dow Jones tăng 5.6% và Nasdaq 9.1%.
Giới đầu tư lạc quan vì kinh tế Mỹ rất vững chắc. Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) tăng 3.4% trong ba tháng cuối năm ngoái, sau khi đã tăng 4.9% trong quý trước – trong một năm rưỡi luôn luôn ở trên 2%. Trong năm 2023 mỗi tháng các xí nghiệp tạo thêm trung bình 251,000 công việc làm, qua năm nay mỗi tháng tăng lên 265,000.
Mỗi lần thị trường lên cao vào đầu năm thường thường là dấu hiệu báo trước một năm mới tốt đẹp, mức lời trung bình gần 16%, kể từ năm 1954. Nếu không lên vào mấy tháng đầu thì cả năm chỉ lời được hơn 9%, theo công ty nghiên cứu CFRA Research. Thị trường chứng khoán phản ảnh triển vọng tương lai của cả nền kinh tế.
Điều ngạc nhiên là sản lượng kinh tế tăng mặc dù Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần từ năm 2022. Lãi suất lên cao thường khiến các xí nghiệp và người tiêu thụ bớt vay tiền, đà phát triển phải chậm lại. Khi Fed nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát – có lúc lên tới 9.1%, mức cao nhất trong vòng 23 năm – mọi người đều chờ một cơn suy thoái, chỉ bàn nhau không biết nặng hay nhẹ. Nhưng từ đó tới nay, chưa thấy kinh tế Mỹ đi xuống mà còn tiếp tục tăng trưởng.
Một lý do là cả giới kinh doanh và dân tiêu thụ ở Mỹ đã “miễn nhiễm” trước hiện tượng lãi suất lên cao. Đối với dân tiêu thụ, đó là hệ quả của các chương trình “kích thích” của chính phủ. Hai vị tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã tặng không cho dân đóng thuế vài ngàn tỷ mỹ kim để bảo đảm họ tiếp tục có tiền chi tiêu trong mùa bệnh dịch Covid. Tổng số “tiền kích thích” lớn bằng 26% Tổng Sản Lượng Nội Địa, gấp đôi số trung bình của các nước Âu châu, Nhật, Australia. Trong hai năm 2020 và 2021, chính phủ Mỹ đã chịu cho ngân sách thâm thủng trung bình 14%; các nước Âu châu chỉ chấp nhận khiếm hụt 6%. Năm 2022 ngân sách Mỹ khiếm hụt 4%, qua năm sau lại lên 7.5%, một mức thâm thủng cao như trong thời chiến.
Khi còn bệnh dịch, dân có tiền cũng không có chỗ tiêu xài. Tháng Tám năm 2021, số tiền “tiết kiệm bất đắc dĩ” đã lên tới $2.1 ngàn tỷ đô la trong cả nước. Nhưng sau đó người ta đã mua sắm để “trả thù,” nhất là giới trung lưu trở lên. Chi nhánh Fed ở San Francisco đã tính ra những người thuộc 20% lợi tức cao nhất nước gần đây đã đóng góp 45% vào tổng số tiêu thụ cả nước; trước cơn đại dịch họ chỉ chiếm 39%. Lúc đầu, người ta ước đoán số “tiết kiệm quá nhiều” đó sẽ được sử dụng trong khoảng một năm thì hết; nhưng đến cuối năm 2023 vẫn còn khoảng $400 tỷ mỹ kim để xài trong mấy tháng đầu năm nay. Khi lãi suất lên cao, lớp trung lưu bị ảnh hưởng nặng nhất là tiền lãi các món nợ vay để mua nhà sẽ tăng. Nhưng các hợp đồng vay “mortgages” này thường kéo dài 30 năm, với lãi suất cố định; cho nên dân chúng cứ bình tâm mua sắm.
Một yếu tố khác bảo đảm kinh tế duy trì đà phát triển là các chương trình “đại công tác” của chính phủ nhằm kích thích các doanh nghiệp đầu tư thêm. Quốc hội Mỹ đã biểu quyết cho ba dự án lớn. Thứ nhất là tái thiết hạ tầng cơ sở, một chương trình đã được thúc đẩy trong ba đời tổng thống kể từ ông Bush nhưng cứ bị trì hoãn mãi đến năm 2021. Sau đó đến chương trình đầu tư vào công nghiệp sản xuất năng lượng sạch, rồi đến kế hoạch khích lệ ngành sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ để khỏi bị lệ thuộc vào đường dây cung cấp từ Trung Quốc. Hai chương trình này góp thêm 0.4% vào mức gia tăng của Tổng Sản Lượng Nội Địa, nhờ kích thích các công trình xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị và tuyển mộ công nhân. Từ các công ty tư đến các chính quyền tiểu bang và địa phương đua nhau lập dự án để được trợ cấp.
Các hoạt động kinh tế gia tăng thường dẫn đến lạm phát; nhưng trong thời gian qua tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm, từ hơn 9% xuống chỉ còn khoảng 3%. Khi tăng lãi suất, Ngân Hàng Trung Ương góp công hạ thấp mối lo lạm phát, nhưng còn một yếu tố quan trọng hơn là “khả năng sản xuất” của dân Mỹ đã tăng lên. Nếu trong cùng một thời gian mà một người thợ chế tác được nhiều hàng hóa hay cung cấp nhiều dịch vụ hơn trước, thì giá mỗi đơn vị sản xuất sẽ giảm bớt.
Sức sản xuất của một nền kinh tế dự trên hai yếu tố: Có bao nhiêu người làm việc, và “hiệu suất” trong công việc của họ cao hay thấp. Cả hai yếu tố này đều tăng lên trong nền kinh tế Mỹ trong mấy năm gần đây. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2024, lực lượng lao động ở Mỹ đã tăng thêm 4%, lên tới con số 158 triệu người. Số tăng mạnh nhất là các di dân mới. Theo công ty cố vấn đầu tư PIPCO, trụ sở tại Newport Beach, California, năm ngoái có 3 triệu di dân mới vào nước Mỹ, so với trong năm 2019 chỉ có một triệu. Con số này chưa kể đến các di dân “lậu” không được đưa vào thống kê nhưng ước đoán cũng trên 10 triệu, hơn 5% số người làm việc trong cả nước. Số người lao động sinh trưởng ở Mỹ đã giảm bớt so với thời trước bệnh dịch, nhưng số người gốc từ nước ngoài đã tăng 16%. Những người làm việc lao động thường là các di dân vào qua biên giới Mexico. Những người làm việc bằng trí óc thường là các sinh viên đến Mỹ học đại học rồi được ở lại. Sau một thời gian ngưng đọng vì bệnh dịch, năm ngoái, số chiếu khán (visa) du học đã tăng lên, gấp bốn lần năm 2020, theo báo Economist.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa là hiệu suất lao động của người Mỹ đã lên cao. Hiệu suất lao động (labor productivity) tăng nếu trong cùng một giờ làm việc người ta tạo được nhiều thành quả hơn. Hình ảnh dễ thấy nhất là khi các công nhân bắt đầu sử dụng máy thay vì làm bằng tay, hoặc họ được dùng máy móc tốt hơn. Bệnh Covid là một nguyên do thúc đẩy các xí nghiệp ở Mỹ phải mua thêm máy móc, thiết bị mới, vì họ thiếu người làm việc. Các công ty đầu tư thêm vào các kỹ thuật gia tăng hiệu năng để bù lại số công nhân khiếm hụt. Trong cùng thời gian đó, các chuyên gia tin học đưa ra những nhu liệu (phần mềm) mới để tìm cách tiết kiệm nhân lực và gia tăng hiệu năng.
Số thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy trong năm ngoái hiệu suất lao động, tức là sức sản xuất của những người làm việc ngoài lãnh vực canh nông, đã tăng 2.6%. Báo Economist nhận xét trong quý sau cùng năm 2023, tổng số giờ làm việc của người Mỹ chỉ tăng 0.6% nhưng tổng số sản xuất, biểu lộ qua số GDP, đã tăng theo nhịp độ 3.2% một năm. Thời gian làm việc tăng ít mà kết quả tăng nhiều hơn, cho thấy mỗi giờ làm được nhiều hơn.
Bệnh Covid cũng ảnh hưởng trên hiệu suất lao động một cách khác, là tạo cơ hội cho nhiều người Mỹ đổi công việc làm. Thị trường lao động Mỹ linh động hơn ở các nước tiên tiến bên Âu châu, các xí nghiệp được sa thải người dễ dàng và người lao động cũng không bị ràng buộc với chủ nhân qua các hợp đồng chặt chẽ. Trong thời gian các công ty phải cạnh tranh gay gắt khi cần tuyển mộ nhân viên, giới lao động có thể tìm những việc làm mới, ở các công ty lớn hơn và có sức sản xuất mạnh hơn, nhờ thế hiệu suất lao động chung đã tăng thêm. Một đặc điểm của nền kinh tế Mỹ là các sáng kiến, phát minh, trong các sản phẩm hoặc trong phương pháp sản xuất, đều được tưởng thưởng, khuyến khích tìm tòi những kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu năng.
Nhờ những tiến bộ trên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã ở mức dưới 4% trong hơn hai năm trời, một khoảng thời gian dài nhất trong nửa thế kỷ qua. Kinh tế Mỹ cũng vượt xa các nước tiến bộ ngang hàng. Từ năm 2019 đến đầu năm 2024, Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ đã tăng thêm 8%, trong khi các nước Âu châu chỉ thêm được 3%, Nhật Bản 1% và Anh Quốc không lên được chút nào. Trong lúc kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa vì tình trạng dân không dám tiêu xài thì kinh tế Mỹ vẫn tiến vững chắc. Dù cuối năm nay ai đắc cử tổng thống thì nền tảng vững chắc đó vẫn có thể tồn tại trong nhiều năm tới.