VOA: Tiến sĩ Đinh Xuân Quân từng làm việc tại Kabul trong nhiều giai đoạn từ 2004 - 2016 qua bốn chuyến công tác về xây dựng phát triển. Lần đầu, ông làm việc cho World Bank – Liên Hiệp Quốc, từ 2004-2007, liên quan đến Tái Thiết Công Vụ. Sau đó là cho USAID, cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ, từ 2010 – 2011. Tiếp theo là cố vấn cho Bộ Nông Nghiệp từ 2013 – 2015. Và lần cuối là cho USAID, 2016.
Tiến sĩ Quân từng cộng tác và làm chuyên viên tại Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Liên Hiệp Quốc, và USAID. Ông từng thi hành công vụ tại Afghanistan, Azerbaijan, Iraq, Nam Sudan, Kosovo, Liberia, Zaire, Madagascar, Kenya, Rwanda, Indonesia, Việt Nam… với nhiệm vụ cố vấn liên quan đến kinh tế.
Tiến sĩ Quân có bằng cấp và được đào tạo tại các đại học Sorbonne, Paris; Temple, Philadelphia, Viện Đào Tạo của Ngân Hàng Dresdner Bank, Frankfurt am Main, Đức Quốc.
Hiện ông cư ngụ tại Garden Grove, California.
Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn của VOA Tiếng Việt với tiến sĩ Đinh Xuân Quân.
***
VOA Tiếng Việt (VOA): Thưa tiến sĩ, cảm xúc ông ra sao khi nghe tin Kabul thất thủ?
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân (Ts. ĐXQ): Từ thứ Tư, ngày 4 Tháng 8 vừa rồi, tôi không ngủ được. Vì những người bạn của tôi và những người tôi đã làm việc cùng ở Afghanistan và thường dân, nhất là vợ con của họ, không được đi làm và không được đi học nữa. Con gái của họ không được đi học, không được hành nghề nữa. Do đó cảm xúc rất là nhiều, và tôi liên tưởng tới năm [19]75 ở Việt Nam.
Không ngờ là quân đội Afghanistan đã không đánh và tan rã mau chóng. Không ai tưởng tượng nổi. Nhưng những người không mấy hiểu biết sẽ chính trị hóa và đổ tội cho nhau.
Trong những ngày qua, tôi ráng tìm liên lạc với những bạn cũ ở Afghanistan (internet vẫn còn hoạt động). Tôi ráng tìm họ và cho họ tin tức, và nhớ lại những ngày hoang mang tại Việt Nam trước đây, 30/4/75.
Tôi nhớ lại những ngày tại Việt Nam, những người tị nạn, việc hôi của, loạn tại Sài Gòn trong những ngày ấy.
VOA: So sánh giữa Sài Gòn thất thủ và Kabul thất thủ, ông thấy như thế nào?
Ts. ĐXQ: Khác! Ở đây (Afghanistan) không có chính sách lừa đảo và bắt [người]. Tương đối bây giờ tôi thấy có một cái hay là không có vấn đề hôi của, đó là một cái hay. Đối với Taliban, ăn cắp thì bị chặt tay. Ở Việt Nam năm 1975 có hôi của. Đây [Afghanistan] không có vụ hôi của.
Tôi thấy, và mấy người bạn tôi nói, là họ chưa đụng tới dân chúng. Có thể đó là đối với Kabul và mấy tỉnh lớn.
Ở Việt Nam, khi miền Bắc vào miền Nam là mấy trăm ngàn người, bao nhiêu sư đoàn vào. Trong khi ở đây đâu có. Họ đi xe mô tô vào. Vì không có đánh nhau!
Chính tôi cũng thấy bất ngờ, là tại sao không có đánh nhau.
Thứ hai là đa số trong chính phủ là người từ Hoa Kỳ trở về. Nhiều người Afghan từ Hoa Kỳ trở về là những người từng tị nạn từ hồi Liên Xô vào thập niên 80, 90, rồi năm 2000, 2005 họ trở về. Có cái hay và cũng có cái dở. Họ trở về có cái hay là tiến bộ hơn nhưng mà có cái dở là tham nhũng. Người nào cũng lo tìm nhà cũ, kiếm tiền làm tiền thành ra cái đầu óc, bộ não nó khác, không nhất quyết. Vì vậy, nửa chừng chưa gì đã bỏ chạy hết rồi.
Bây giờ so sánh giữa Việt Nam và Afghanistan. Việt Nam đã có truyền thống quốc gia từ lâu đời rồi. Còn Afghanistan thì đến 2004 mới có chính phủ trung ương. Tinh thần quốc gia Việt Nam đã có từ lâu, được hun đúc từ những cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc.
Khi Afghanistan nằm dưới sự cai trị của Taliban, mà Taliban không phải cộng sản, không có chính sách cải tạo. Khi Liên Xô thua thì các ông tướng cũng không bị cải tạo. Người Afghanistan theo cộng sản cũng không bị cải tạo. Họ chỉ về nhà thôi.
Trong khi đối với cộng sản Việt Nam, con cái sĩ quan trong Nam đâu có được đi học. Họ có một chính sách độc ác hơn nhiều.
Taliban thì dựa trên đạo, tôn giáo. Còn cộng sản là vô thần, và họ sử dụng tất cả chuyện nói láo, lừa đảo. Taliban không có vụ đó. Họ có cử chỉ hành động thời trung cổ thiệt, nhưng mà không có chính sách như là người cộng sản.
VOA: Theo ông, tại sao Afghanistan thất thủ?
Ts. ĐXQ: Câu hỏi là, quân đội Afghanistan có nhiều đơn vị thiện chiến, được huấn luyện kỹ càng nhưng tại sao không đánh? Đây là không phải vì thua trận, mà vì rắn mất đầu. Trong khi quân Taliban tiến vào các thành thị, về Kabul thì Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani đã trốn chạy qua Tadjikistan, quốc gia kế cận Afghanistan.
Hai là quân đội không đánh nhau. Họ không muốn đánh nhau. Có thể hai bên điều đình với nhau. Vì đâu có trận nào đâu. Ở Việt Nam đánh nhau lớn lắm, chứ đâu có phải không. Bên này không có, không có chuyện đánh nhau. Mà có đánh nhau cũng lẻ tẻ thôi, không có chiến trường. Nếu có đánh, chỉ là đánh du kích nhỏ.
Việc này cho thấy không phải là quân đội Afghanistan thua mà vì mất đầu, các lãnh đạo bỏ chạy khi gặp khó khăn do đó đã làm nhiều đơn vị mất tinh thần.
Ông Ashraf Ghani, một cựu nhân viên World Bank, về và lúc nào cũng tin là “một mình có thể làm và thay đổi Afhganistan, một xã hội còn trong thời trung cổ với nhiều lãnh chúa…” Trong khi ông Ashraf Ghani sợ hãi thì các lãnh đạo khác như ông Karzai, ông Abdullah còn ở lại để thương thuyết với Taliban.
Và tôi nghĩ dân chúng họ cũng chán nản. Hiện giờ, Afghanistan còn hơn một triệu người tị nạn tại Iran, hơn 1.5 triệu người tại Pakistan. Rồi còn các nước xung quanh, ở cả Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nếu nhìn lại lịch sử thì khi Liên Xô rút khỏi xứ này vào 1989, chính quyền tại đây còn chống cự tới ba năm sau. Phe Mujahideen tiến vào Kabul trong hòa bình, không có cuộc “tắm máu” nào xảy ra, các quan chức cấp cao của chính phủ cũng như binh sĩ của chính quyền thân Liên Xô đều được bảo toàn tính mạng, không như tại Việt Nam, đi cải tạo và con cháu không được đi học.
Nhưng phe Mujahideen gồm nhiều sứ quân, nhiều bộ tộc. Sau khi chiếm Kabul, họ đánh nhau liên tiếp không đoàn kết. Cho nên phe Taliban từ Pakistan vào 1994 đã nhân dịp “nước đục béo cò” đã chiếm Afghanistan.
Sau 9/11, phe Miền bắc do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã đánh thắng Taliban. Sau 2001, hội nghị quốc tế tại Bonn (2001) đã hứa tái thiết lập Afghanistan dưới lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc.
Trong nhiều năm qua, Afghanistan đã xây dựng bộ máy hành chính, một cơ sở hạ tầng khá tốt và đào tạo cho giới trẻ và phụ nữ giúp tiến bộ xã hội.
VOA: Ông nghĩ gì về quyết định rút quân của chính phủ Mỹ?
Ts. ĐXQ: Tôi nghĩ không có cách nào làm khác được vì ở Afghanistan không có đánh nhau, không có một viên đạn thì vấn đề ở đây cho thấy một là hai bên họ đi với nhau. Hai là họ không chịu đứng lên bảo vệ quyền tự do của họ. Nếu đã là vậy thì khó mà tiếp tục nữa.
Hoa Kỳ ở đó 20 năm mà chỉ có 2400 người chết thôi. Vào lúc chót, hai ba năm gần đây, họ rút còn chỉ 2500 người thôi, mà với 2500 người này Taliban không vô được. Thì đó là quyết định chính trị.
Đã có ba ông tổng thống muốn rút rồi, chứ không phải là tới ông tổng thống này. Ông tổng thống đầu tiên muốn rút là Obama, sau là ông Trump, và người thứ ba là ông Biden, muốn rút luôn một lúc.
VOA: Cuộc chiến Quốc – Cộng ở Việt Nam là 20 năm, người Mỹ dính dấp 10 năm. Thời gian Mỹ vào Afghanistan 20 năm. Ông nhìn nhận mọi chuyện như thế nào?
Ts. ĐXQ: Mỹ bắt đầu dính vào Việt Nam lúc còn Pháp, còn quân đội Pháp ở Việt Nam. Lúc đó, Mỹ giúp Pháp. Còn ở đây, Mỹ vào là Liên Hiệp Quốc vào và nhiều quân đội vào. Ảnh hưởng chính trị không phải lúc nào Mỹ cũng bắt buộc Afghanistan theo ý của Hoa Kỳ đâu. Thành ra hai lập trường khác nhau. Trường hợp Việt Nam, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, trong khi Afghanistan đâu phải là thuộc địa của Hoa Kỳ. Mà Hoa Kỳ cũng đâu phải lấy làm thuộc địa. Hoa Kỳ vào với mục đích là đánh Al-Qaeda, đánh Bin Ladin, vì lúc đó Taliban cho Al-Qaeda đồn trú ở Afghanistan và do đó Hoa Kỳ đã vào đánh và triệt hạ Al-Qaeda.