Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay có thể lên tới hơn 18 tỷ USD, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), và đây là con số kỷ lục về số lượng tiền người Việt ở nước ngoài gửi về trong vòng một năm.
Con số này sẽ cao hơn lượng kiều hối người Việt gửi về trong nước vào năm ngoái gần một tỷ USD và gấp gần 14 lần so với cách đây hơn 2 thập kỷ, khi Sáng khiến Đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (KNOMAD) của WB lần đầu tiên đưa ra thống kê về Việt Nam vào năm 2000.
Báo cáo bán niên của WB và KNOMAD đưa ra gần đây cho thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình có lượng kiều hối tăng trưởng mạnh so với năm 2020. WB và KNOMAD cho biết trong một thông cáo báo chí đưa ra vào tháng trước rằng kiều hối đến các nước này dự kiến tăng 7.3% với tổng lượng tiền là 589 tỷ USD trong năm nay. Sự tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi sau thời gian suy thoái toàn cầu nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, theo WB.
Các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối, theo WB, là do người di cư tăng cường hỗ trợ gia đình và người thân ở quê nhà, đặc biệt tại các quốc gia bị ảnh hưởng của sự lây lan của biến thể COVID-19 Delta. WB nhận định rằng các gói kích cầu khẩn cấp đặc biệt trong đại dịch và các chương trình hỗ trợ việc làm tại các quốc gia mà những người di cư tới làm việc và định cư, như Mỹ và châu Âu, đã cho phép họ khả năng hỗ trợ tài chính cho gia đình ở quê nhà.
Thống kê của KNOMAD cho thấy người Việt ở nước ngoài sẽ gửi về 18,06 tỷ USD trong năm nay, trong khi con số này là 17,2 tỷ USD trong năm ngoái. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ tăng 200 triệu USD vào năm 2020, từ 17 tỷ USD trong năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua, khi lượng kiều hối người Việt gửi về trong nước tăng đều mỗi năm 1 tỷ USD.
KNOMAD thống kê lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 2000, trong đó cho thấy mức tăng trưởng đều hàng năm. Chỉ duy nhất một năm Việt Nam có mức tăng trưởng âm về lượng kiều hối là khi con số này giảm từ hơn 6,8 tỷ USD vào năm 2008 xuống hơn 6 tỷ USD vào năm 2009, cùng lúc với thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. So với lượng kiều hối ghi nhận được vào năm 2000 là hơn 1,3 tỷ USD, lượng tiền người Việt chuyển về Việt Nam trong năm nay tăng gấp hơn 13,8 lần.
Với mức tăng trưởng này, Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước nhận lượng kiều hối cao nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Theo KNOMAD, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay chiếm 4,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Tại Việt Nam, TPHCM là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, chiếm khoảng 30%. Theo truyền thông trong nước, kiều hối về Việt Nam qua hai kênh, gồm ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.
Trích dẫn số liệu từ Agribank, một trong các đơn vị chi trả kiều hối lớn nhất ở Việt Nam, Tuổi Trẻ cho biết ngân hàng này dự kiến lượng kiều hối cả năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm ngoái. Theo giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank, Nguyễn Quốc Hùng, nói với Tuổi Trẻ, lý do kiều hối tăng mạnh bất chấp đại dịch là do ngân hàng này đã mở rộng khai thác thị trường Nhật Bản, giúp cho lượng tiền của người Việt chuyển từ Nhật – chủ yếu từ lực lượng lao động Việt Nam tại nước này – chiếm tỷ trọng cao hơn cả từ Mỹ.
Còn theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank, Đào Minh Tuấn, được VnExpress trích lời cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam như mọi năm được ghi nhận nhiều nhất ở khu vực Bắc Mỹ, tức Mỹ và Canada, châu Á, châu Úc và châu Âu. Thị trường Mỹ, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc nhất – chiếm tới 50% tổng lượng kiều hối về Việt Nam và góp phần giữ Việt Nam trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, theo ông Tuấn.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Minh Tâm nói với Tuổi Trẻ, số lượng người chuyển tiền về từ các thị trường truyền thống, như Mỹ, Úc và Canada, đã bắt đầu giảm dần qua các năm do mối quan hệ giữa các thế hệ mới lớn lên tại Việt Nam và các nước này ngày càng ít gắn kết. Một lý do khác là kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển nên việc gửi tiền trợ cấp cũng không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, theo ông Tâm.
Mặc dù vậy, theo Tuổi Trẻ, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng mạnh là do lượng lao động xuất khẩu sang các thị trường châu Á tăng lên và lượng tiền của người lao động Việt gửi về từ các thị trường này được dự kiến sẽ tiếp tục phát triển cũng như là đóng góp quan trọng cho các nguồn kiều hối về Việt Nam.