Kiều dân Nga nhận tội làm gián điệp

Hình ảnh phác thảo phòng xử án ngày 11/2/2015: Trợ lý luật sư Anna Skotko buộc tội công dân Nga Evgeny Buryakov trước tòa án.

Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo hôm 11/3 cho hay một kiều dân Nga đã nhận tội âm mưu làm gián điệp cho tình báo Nga ở Mỹ.

"Evgeny Buryakov nhận tội hoạt động ngầm như một điệp viên của Nga ở Mỹ mà không thông báo cho Tổng Chưởng lý", Trợ lý Tổng Chưởng lý chuyên trách An ninh Quốc gia John Carlin nói.

Buryakov bị cáo buộc giả làm nhân viên của một ngân hàng Nga ở thành phố New York để có thu thập thông tin cho cơ quan tình báo đối ngoại của Nga có tên SVR.

"Hơn hai thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các điệp viên Nga vẫn tìm cách hoạt động trong lòng chúng ta với vỏ bọc bí mật", Luật sư Mỹ Preet Bharara nói, và so sánh vụ việc như một "cốt truyện cho một bộ phim thời Chiến tranh Lạnh".

Buryakov sẽ bị kết án vào ngày 25/5/2016, tại tòa ông sẽ phải đối mặt với bản án tối đa là 5 năm tù giam.

Bộ tư pháp Mỹ công bố vụ bắt giữ Buryakov vào tháng 1/2015, sau khi ông đã có nhiều cuộc gặp bí mật với một nhân viên FBI nhập vai mà Buryakov tưởng là một nhà phân tích trong một công ty năng lượng.

Buryakov bị cáo buộc âm mưu hoạt động như một điệp viên của chính phủ Nga mà không đăng ký về việc đó. Các công tố viên nói ông đã lập âm mưu với hai người đàn ông Nga khác nhằm thu thập thông tin tình báo kinh tế của Mỹ, bao gồm chi tiết các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Moscow. Ông cũng bị cáo buộc tìm cách tuyển mộ các cư dân New York thành các đầu mối tình báo.

Đặc vụ nhập vai đã cung cấp cho Buryakov các tập dữ liệu năng lượng có micro giấu kín, cho phép FBI nghe trộm các cuộc đàm thoại giữa Buryakov và sếp của anh ta tại cơ quan tình báo Nga.

Các tài liệu cho biết các bản ghi âm những cuộc đàm thoại "cho thấy rõ" Buryakov đã nhận lệnh từ SVR và đã truyền thông tin về cho Moscow.

Những người bị cáo buộc là đối tác của anh ta, Igor Sporyshev và Victor Podobnyy, không bị bắt vì họ có miễn trừ ngoại giao. Sporyshev là một cựu đại diện thương mại của Nga và Podobnyy là một tùy viên cho phái bộ Nga ở Liên Hợp Quốc. Cả hai đã rời Mỹ.

Các công tố viên liên bang đã so sánh vụ này với vụ bắt giữ 10 nhân viên tình báo Nga ở New York gây nhiều chú ý vào năm 2010. Các điệp viên đó đã nhận tội và bị trục xuất về Nga trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù nhân.