Kiểm duyệt sách và kịch nghệ

Kiểm duyệt sách và kịch nghệ

Lời tác giả: Trong bài này, tôi chỉ dừng lại ở thời điểm 1990. Mọi diễn biến sau đó sẽ không được bàn đến. - NHQ

Mô hình tổ chức ở các nhà xuất bản cũng giống nhau như ở các toà báo, có điều quy mô lớn hơn, do đó, cồng kềnh hơn.

Đứng đầu nhà xuất bản là Ban giám đốc. Thuộc quyền Ban giám đốc cũng có hai bộ phận: bộ phận quản lý và bộ phận biên tập. Bộ phận quản lý gồm: Phòng chính trị, Phòng kinh tế, Phòng khoa học kỹ thuật, Phòng văn hoá, Phòng hành chánh trị sự và Phòng tài vụ. Bộ phận biên tập, tuỳ nhà xuất bản, được tổ chức khác nhau. Riêng các nhà xuất bản thuần tuý văn nghệ thì gồm: Phòng biên tập thơ, Phòng biên tập văn xuôi, Phòng biên tập nghiên cứu lý luận phê bình, Phòng biên tập văn học nước ngoài.

Quá trình kiểm duyệt ở nhà xuất bản, trong giai đoạn đầu, cũng giống như ở các báo và các tạp chí. Luôn luôn có hai biên tập viên cùng đọc, cùng nhận xét và cùng quyết định việc đề nghị chọn in hay không. Tất cả những nhận xét và đề nghị ấy đều được ghi vào biên bản cụ thể.

Hoàng Minh Châu kể về việc kiểm duyệt tập thơ Cửa mở của Việt Phương năm 1969 như sau:

“… Xét bản thảo có thể in, tôi bèn chuyển anh Yến Lan đọc tiếp. Yến Lan cũng đồng tình với tôi, nhận định đây là cây bút có tìm tòi, là một ‘sự kiện văn học’, tuy cũng thấy vài chỗ cần bàn bạc thêm. Chúng tôi thống nhất ý kiến, chọn chặt lại cùng nhau đặt tên tập thơ là Cửa Mở và chuyển lên giám đốc.” (Văn Nghệ, Hà Nội, 17.12.1988)

Lời kể của Hoàng Minh Châu có hai chi tiết khá rõ: một, có hai biên tập viên cùng kiểm duyệt một tác phẩm trước khi đưa lên giám đốc; hai, hai biên tập viên ấy có quyền “chọn chặt lại”, nghĩa là, nói cách khác, có quyền loại bỏ những bài họ thấy không hợp ý.

Có một chi tiết khá mơ hồ: “bàn bạc thêm”. Là sao? Nguyễn Khải sẽ trả lời trong bài Người viết với sách in đăng trên báo Văn Nghệ số Tết 1988: bản thảo “gửi tới một nhà xuất bản nào đó. Bắt đầu sống những ngày căng thẳng trong chờ đợi. Một tuần hy vọng rồi lại một tuần thất vọng. Một tháng hy vọng rồi lại một tháng thất vọng. Nhiều khi đã thất vọng đến hoàn toàn mới nhận được giấy mời tới bàn bạc để đưa vào kế hoạch in. Bàn bạc nghĩa là yêu cầu tác giả nên sửa chữa, không nhiều, chỉ xem lại một chút cái phần mở đầu, cái phần kết thúc và một vài chi tiết ở chương này, một vài chi tiết ở chương kia và… và… Nghe mà ớn lạnh, nhưng không thể trả lời là tôi không sửa, là tôi sẽ lấy lại bản thảo đem về, mà vẫn phải chăm chú, vẫn phải tươi cười, vẫn phải lễ độ mà rằng: tôi xin tiếp thụ, tôi xin sửa chữa lại tất cả, tôi xin… tôi xin…”

Tế Hanh cũng kể một trường hợp tương tự trên báo Văn Nghệ số ra ngày 17.12.1988:

“Tôi nhớ nhất là khi cho xuất bản tập Gió Lào cát trắng của Xuân Quỳnh. Lúc ấy, Xuân Quỳnh gặp khó khăn trong đời riêng, anh Như Phong, giám đốc nhà xuất bản tỏ ý ngần ngại, anh Hoàng Minh Châu và tôi đồng ý in vì đó là tập thơ có nhiều chất trữ tình. Tôi bàn bỏ qua một vài bài quá riêng tây và cho in. Trong những bài bỏ tôi tiếc nhất là bài Cỏ dại. Về sau, khoảng 1980, có nhà văn Pháp là bà Cô-re-zơ sang Việt Nam và nhờ tôi tổ chức gặp các nhà thơ nữ, bà rất khen thơ Xuân Quỳnh, trong đó có bài Cỏ dại, tôi nói lại với Xuân Quỳnh và Xuân Quỳnh nửa đùa nửa trách: “Thế mà hồi đó, anh lại bỏ bài ấy của em”, tôi cười: “Khi mình đọc thích một bài thơ, nhưng khi làm người phụ trách duyệt thơ thì lại khác…”

Giám đốc nhà xuất bản không phải là người quyết định cuối cùng. Nhà xuất bản nào cũng có một tổ chức gọi là Hội đồng nghệ thuật bao gồm giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng, ban và một số nhà chuyên môn do giám đốc làm chủ tịch. Hội đồng nghệ thuật có nhiệm vụ duyệt lại từng tác phẩm trong số những tác phẩm được các cán bộ biên tập đề nghị in.

Khi Hội đồng nghệ thuật duyệt xong, các tác giả có tên trong bản danh mục được chọn phải cấp tốc nộp một bản lý lịch có cơ quan chủ quản, nơi mình đang công tác xác nhận. Thủ tục này được đặt ra để ngăn chận hiện tượng những tên “biệt kích văn hoá” ngụy trang với những bút hiệu khác thâm nhập vào hàng ngũ cầm bút xã hội chủ nghĩa.

Mỗi năm, có một cuộc họp khoáng đại của một tổ chức gọi là Hội đồng xuất bản trung ương hoặc địa phương để kiểm duyệt lần cuối, quyết định “bản kế hoạch”, tức là bản danh mục sách sẽ in cho cả năm sau. Tham gia Hội đồng xuất bản gồm có: giám đốc nhà xuất bản, đại diện Ban Tuyên huấn, đại diện Ban Văn hoá văn nghệ, đại diện Bộ Thông tin và một số nhà chuyên môn.

Trong phiên họp của Hội đồng xuất bản, người ta sẽ xét duyệt trên cơ sở bản danh mục nhà xuất bản đề nghị. Mỗi thành phần tham dự góp ý từ góc độ chuyên môn của mình. Bộ Thông tin xuất phát từ khả năng ấn loát (giấy mực, nhà in, thợ in…), quyết định số lượng đầu sách và số lượng ấn bản cho mỗi đầu sách, tỉ lệ giữa sách sáng tác trong nước và sách dịch từ nước ngoài. Bộ Văn hoá văn nghệ góp ý về vấn đề chất lượng. Các nhà chuyên môn bổ sung ý kiến của Ban Văn hoá Văn nghệ. Kẻ quyết định cuối cùng là Ban Tuyên huấn. Căn cứ vào nhu cầu tuyên truyền, Ban Tuyên huấn cho phép những sách nào được in, sách nào không được in; sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho một số tác phẩm được in sớm để phục vụ kịp thời một chiến dịch, một phong trào.

Đối với các nhà xuất bản thuộc cấp tỉnh hoặc thành phố, Hội đồng xuất bản cũng giữ nguyên cơ cấu như vậy, chỉ thay đổi cấp bậc: Sở Văn hoá thông tin thay cho Bộ Thông tin, Ban Tuyên huấn thành ủy hoặc tỉnh ủy thay cho Ban Tuyên huấn Trung ương…

Để được xuất bản, như vậy, mỗi cuốn sách phải đi qua ba tầng kiểm duyệt: cán bộ biên tập, Hội đồng nghệ thuật của nhà xuất bản và cuối cùng Hội đồng xuất bản của trung ương hoặc của địa phương.

Trương Văn Khuê, giám đốc nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 5.7.1987, cho biết, trước khi chuyển qua bộ phận ấn loát, bản thảo nào cũng có một tập hồ sơ dày cộm và đỏ lòm bốn con dấu: con dấu của cơ quan chủ quản của tác giả, con dấu của nhà xuất bản, con dấu của Ban Tuyên huấn và con dấu của Bộ Thông tin hoặc của Sở Văn hoá Thông tin.

Theo lời tiết lộ của Trương Văn Khuê, người ta thấy ngay, trong Hội đồng xuất bản, vai trò của Ban Văn hoá Văn nghệ và của những người được coi là chuyên gia về văn học rất mờ nhạt: họ không có con dấu nào riêng, nghĩa là họ chỉ góp ý kiến chứ không có quyền quyết định.

Cũng theo Trương Văn Khuê, trên số báo vừa dẫn, để thành lập chỉ tiêu xuất bản cho cả năm, Hội đồng xuất bản chỉ nhóm họp một lần. Đối với những quyển sách tái bản, nếu không có gì sửa chữa hay thêm bớt, nhà xuất bản có thể tự quyền quyết định. Trường hợp quyển sách ấy có sự thay đổi nhỏ, dù chỉ là thay đổi cái tựa, nó phải chờ “thông qua” trong cuộc họp thường niên của Hội đồng xuất bản vào năm tới.

Đối với kịch bản sân khấu, việc kiểm duyệt có khác chút ít nhưng mức độ khắc nghiệt thì vẫn như vậy. Trước hết, kịch bản phải được Ban lãnh đạo đoàn kịch hoặc đoàn hát xét duyệt. Đồng ý? Thì lại tiếp tục trình lên Sở Văn hoá Thông tin. Cán bộ Phòng văn nghệ của Sở Văn hoá Thông tin sẽ vầy vò tác phẩm đến độ không còn một tì vết nào có thể gây tác hại về tư tưởng chính trị cho quần chúng, sau đó mới cấp giấy phép tạm thời. Với giấy phép tạm thời ấy, đạo diễn đoàn kịch hoặc đoàn hát có thể bắt tay vào việc tập dượt. Khi các diễn viên đã thành thục, Ban lãnh đạo đoàn phải tổ chức một buổi diễn tập với sự tham dự để kiểm duyệt lần cuối của đại diện Ban Tuyên huấn.

Trong mục Diễn đàn văn hoá trên báo Hà Nội Mới số ra ngày 27-12-1987, một người ký tên là X.B. mô tả không khí buổi diễn tập để kiểm duyệt như sau:

“Từ tác giả, đạo diễn, diễn viên, người quản lý, từ khi mở màn cho đến lúc kết thúc, đều phải chăm chú theo dõi thái độ của người kiểm duyệt. Vì thực chất số phận của một công trình sáng tạo nhiều khi chỉ tuỳ thuộc vào ý kiến của người đến duyệt”.


Câu chuyện do nhà văn Mai Văn Tạo kể trên báo Văn Nghệ số ra ngày 11.6.1988 lại còn chi tiết và bi hài hơn nữa:

“Có lần tôi và anh Bảo Định Giang được mời xem vở cải lương Đồ Chiểu. Hôm ấy là ngày xét duyệt. Tác giả mời chúng tôi có ý đồ rõ rệt. Anh Giang là nhà nghiên cứu lâu dài về Đồ Chiểu. Còn tôi là bạn của tác giả từng động viên khuyến khích anh khi anh còn trăn trở với đề tài. Cách xét duyệt thật bi hài. Vở diễn, nhân vật hát hai câu: “Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”. “Không được! Không được!” – Ông trưởng ban Tuyên huấn phán ngay – “Thơ Đồ Chiểu không phải vậy, thơ Đồ Chiểu sao ủy mị thế? Không xốc tới, xông lên?”. Tác giả: “Thưa anh, thơ Đồ Chiểu thật ạ! Có anh Bảo Định Giang nhà nghiên cứu Đồ Chiểu đây”. Anh Giang gật đầu xác nhận. Ông trưởng ban nọ: “Ờ, ờ… tôi cũng không rõ thơ Đồ Chiểu, nhưng dù câu này thật đúng là của ông cũng bỏ, vì yếu quá!”. Đến đoạn khác, nhân vật Đồ Chiểu nói: “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Ông trưởng ban: “Không được! Không được! Câu này còn quan trọng hơn nữa, Nói “triều đình” là muốn nói Trung ương (đảng) sao?”


(Trích từ cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại California, 1991)

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.