Việc Việt Nam rơi vào khủng hoảng chức chủ tịch nước cho thấy mặt trái của công cuộc bài trừ tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và người được Đảng chọn lên làm nguyên thủ sắp tới phải đảm bảo tuyệt đối trong sạch, một nhà quan sát Việt Nam kỳ cựu nhận định với VOA.
Việt Nam đang tìm kiếm một nguyên thủ mới sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị bãi tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước hồi giữa tháng trước vì những sai phạm không được nói rõ. Chiếc ghế chủ tịch nước hiện giờ do bà Võ Thị Ánh Xuân, cấp phó của ông Thưởng, tạm quyền.
Ông Thưởng là vị chủ tịch nước thứ hai bị bãi chức trong vòng chỉ hơn có một năm sau khi người tiền nhiệm của ông là ông Nguyễn Xuân Phúc có kết cục tương tự hồi tháng 2 năm 2023.
Việc thay đổi nguyên thủ quốc gia liên tục như vậy là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Nếu tính từ năm 2016, quốc gia này đã có 3 chủ tịch nước (gồm cả ông Trần Đại Quang đã qua đời khi tại nhiệm), 1 kiêm chủ tịch nước (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) và 3 lần quyền chủ tịch nước (bà Đặng Thị Ngọc Thịnh 1 lần và bà Võ Thị Ánh Xuân 2 lần).
Ông Lâm hay bà Mai?
Theo quy định của Đảng thì chức chủ tịch nước phải là một trong số các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm nhưng không được là ủy viên mới mà ít nhất đã trải qua nhiệm kỳ thứ hai. Chiếu theo quy định này thì ngoại trừ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ còn có hai người đủ điều kiện là Thường trực Ban bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
“Bà Trương Thị Mai sẽ là lựa chọn ‘chắc cú’ [nguyên văn ‘safe as houses’] cho vị trí chủ tịch nước,” Giáo sư Carl Thayer, vốn chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định với VOA.
“Bà ấy là một nhà lãnh đạo cao cấp, lão thành, dày dặn kinh nghiệm đã từng kinh qua nhiều vị trí cao cấp khác nhau trong bộ máy Đảng,” ông giải thích và chỉ ra một chỉ dấu là bà Mai đã thay mặt ông Thưởng tiếp đại sứ Lào hôm 14/3, một tuần trước khi ông Thưởng bị mất chức.
Năm nay 66 tuổi và khi đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026 bà Mai sẽ 68 tuổi, tức là đã quá tuổi để ở lại trong Bộ Chính trị. Do đó, nếu được chọn, bà Mai cũng chỉ điền khuyết chức chủ tịch nước cho hết nhiệm kỳ rồi thôi. Nếu muốn tiếp tục làm thì trừ phi bà được đặc cách như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi năm 2021, theo lời ông Thayer.
“Bà ấy là lựa chọn thay thế cho ông Thưởng khả dĩ nhất nếu bà không có tham vọng lên lãnh đạo trong tương lai,” Giáo sư Thayer phân tích và cho rằng vì là phụ nữ nên bà ít có cơ hội được đặc cách.
Về trường hợp Bộ trưởng Công an Tô Lâm, vị giáo sư này cho rằng ông Lâm được đồn đoán là ‘có tham vọng trở thành tổng bí thư’ chứ không phải chủ tịch nước. Trong trường hợp đó, ông Lâm cũng cần được Trung ương Đảng đặc cách vì khi đó ông đã quá 68 tuổi.
Theo lời ông Thayer thì theo thông tin trong hậu trường mà ông nắm được thì khi Đảng chọn người thay ông Phúc, ông Lâm đã không muốn ra tranh với ông Thưởng và lúc đó ông cũng không muốn rời ghế Bộ trưởng Công an.
Ngoài ra cũng có hai kịch bản nữa mà Giáo sư Thayer cho rằng ít có khả năng xảy ra: thứ nhất là Quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tạm quyền cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5 năm 2026. Thứ hai là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa kiêm nhiệm như đã từng kiêm cho ông Trần Đại Quang vào năm 2018 khi ông Quang qua đời. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe hiện tại của ông Trọng không cho phép kịch bản này xảy ra.
Trả lời câu hỏi Đảng cần phẩm chất gì nhất ở chủ tịch nước kế tiếp, rút kinh nghiệm từ hai trường hợp thất bại của ông Phúc và ông Thưởng, giáo sư Thayer cho rằng ‘phải trong sạch, không phạm bất cứ điều gì trong số 19 điều đảng viên không được làm và có trách nhiệm nêu gương’.
Khủng hoảng nhân sự
Con số ít ỏi những nhân sự có thể lên thay ông Thưởng cho thấy thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp khó khăn về nhân sự, cũng theo lời ông Thayer. Khóa 13 là nhiệm kỳ có nhiều ủy viên Bộ Chính trị bị gạt ra ngoài nhất từ trước đến nay với 4 trong số 18 ủy viên khi mới quá nửa nhiệm kỳ.
Trước câu hỏi đã có bất cập ở chỗ nào mà khóa 13 gặp tình trạng như thế, ông chỉ ra công cuộc chống tham nhũng quyết liệt vốn là trọng tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch này gồm hai thành phần, một là trừng trị bản thân những cán bộ vi phạm như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, hai là quy trách nhiệm người đứng đầu cho sai phạm của cấp dưới như trường hợp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Ngoài ra, ông Thayer cũng chỉ ra trách nhiệm của ông Trọng trên cương vị người đứng đầu tiểu ban nhân sự lựa chọn người cho khóa 13. Hiện tại, ông Trọng vẫn tiếp tục đứng đầu tiểu ban phụ trách tuyển lựa nhân sự cho khóa 14.
“Tổng bí thư Trọng đáng được ghi công cho nỗ lực chống tham nhũng và cải tiến quá trình tuyển lựa nhân sự với việc đề ra những quy định khắt khe. Nhưng ông Trọng cũng phải chịu trách nhiệm khi mà Bộ Chính trị bị để trống nhiều ghế và trách nhiệm trong quá trình tuyển lựa nhân sự khi mà sau đó có quá nhiều con sâu bị phát hiện,” ông Thayer nói.
Do đó, theo lời vị giáo sư này, ông Trọng phải tự rời chức trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội Đảng khóa 14 và tiểu ban này phải ‘cực kỳ khắt khe trong việc xét duyệt các ứng cử viên vào các vị trị lãnh đạo’.
Về công cuộc chống tham nhũng mang dấu ấn của ông Trọng, từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng, Giáo sư Thayer cho biết ông đã nghe những lời than phiền về sự thiếu minh bạch vì người dân không hề được biết ông Thưởng đã vi phạm gì mà bị kỷ luật như vậy.
“Tại sao có người bị trừng phạt, có người lại không?” ông nói, ý muốn nói đến việc ông Thưởng được Đảng cho hạ cánh an toàn.
“Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng sẽ bất định, nhất là khi ông ấy sẽ về hưu vào cuối nhiệm kỳ này. Đảng hiện đang chia rẽ giữa những người muốn đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng để lấy đó mà thăng tiến sự nghiệp của mình và những người lo ngại rằng nó đã đi quá xa và gây ra những xáo trộn không cần thiết,” Giáo sư Thayer nói.