Khủng hoảng cát ở Việt Nam: ‘Cần thay đổi tâm lý chuộng cát sông’

Một nhánh của dòng sông Cửu Long ở Việt Nam, nơi bị khai thác cát liên tục trong nhiều năm qua, để phục vụ mục đích xây dựng

Việt Nam thiếu cát xây dựng trầm trọng trong khi nguồn cát ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị khai thác gần như cạn kiệt, gây hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái do nhu cầu và tâm lý ưa chuộng cát sông của người Việt trong xây dựng, theo tìm hiểu của VOA.

‘Đói cát’ trên diện rộng

Vấn đề khai thác cát xây dựng ở Việt Nam đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mới đây nhất, hôm 5/11, ba mỏ cát ở quận Bắc Từ Liêm và huyện Ba Vì ở thủ đô Hà Nội đã được đưa ra đấu giá quyền khai thác, kết quả là các doanh nghiệp giành quyền khai thác các mỏ các này đã trả giá gấp hàng trăm lần giá khởi điểm. Vụ việc đã khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phải yêu cầu rà soát toàn bộ quá trình khảo sát mỏ cát và quy trình đấu giá.

Trong khi đó, trong nhiều tháng qua, các công trường xây dựng đường cao tốc từ Nam đến Bắc phải bị chậm tiến độ hoặc thi công cầm chừng vì thiếu cát để san lấp nền đường, đó là chưa kể lượng cát cần để xây dựng nhà cửa ở các đô thị.

Đơn cử như ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc huyết mạch nối từ Cần Thơ đến Cà Mau cần đến gần 18,6 triệu mét khối cát, nhưng khả năng đáp ứng của nguồn cát tại chỗ chỉ được 8%, theo số liệu được ông Trần Văn Thi, đại diện chủ đầu tư dự án, báo cáo cho phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hôm 5/9 khi ông Hà đến làm việc với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tờ Tuổi Trẻ tường thuật. Vì thiếu cát mà dự án cao tốc này đang bị chậm tiến độ ba tháng, ông Thi nói.

Đó chỉ là một trong số nhiều dự án cao tốc ở vùng đồng bằng này đang ‘đói cát’, trong đó có các tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Cao Lãnh-An Hữu, Mỹ An-Cao Lãnh. Tổng cộng bốn dự án này cần tới gần 54 triệu mét khối cát, theo số liệu của Bộ Giao thông-Vận tải được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Không chỉ ở vùng đồng bằng Nam bộ này, các dự án đường giao thông khác ở thành phố Hồ Chí Minh, đông nam bộ, nam trung bộ và bắc trung bộ đều đang thiếu cát trầm trọng. Giá cát xây dựng trên thị trường có lúc tăng gấp ba lần.

Trước tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã cho phép nâng công suất khai thác các mỏ cát sông hiện có lên gấp rưỡi so với trữ lượng khai thác đã cấp phép và xem xét cho mở cửa trở lại các mỏ cát đã bị đóng cửa, theo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, nếu khai thác với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2035, các con sông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn cát, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) được công bố hôm 29/9 tại Cần Thơ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu này được Tuổi Trẻ dẫn lại, mỗi năm vùng đồng bằng này chỉ được bồi đắp khoảng từ 2 đến 4 triệu mét khối cát, trong khi lượng cát khai thác mỗi năm ở đây lên đến 35-55 triệu mét khối, gây thâm hụt cát cực lớn.

Khi các lòng sông bị khai thác cát ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở ở bờ sông, gây xâm nhập mặn, thay đổi hệ sinh thái, làm giảm độ cao của vùng đồng bằng này khiến nó càng có nguy cơ bị nhấn chìm dưới nước biển dâng do biến đổi khí hậu, các chuyên gia nhận định.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, kéo theo nhiều nhà cửa, tài sản của người dân thậm chí đường sá xuống lòng sông.

Trong khi đó, lượng cát được bồi đắp ở vùng đồng bằng này đang giảm nhiều do cát bị các đập thủy điện trên thượng nguồn chặn lại. Tờ Thanh niên dẫn số liệu quan trắc của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho biết lượng cát từ thượng nguồn sông Mekong bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 6,5 triệu tấn đổ ra biển. Nhưng tới năm 2040, lượng cát bồi đắp này chỉ còn chưa tới 0,7 triệu tấn/năm.

‘Cần thay đổi tư duy’

“Người Việt Nam có cái tính mà tôi cho rằng chưa được tích cực cho lắm, đó là hễ quen dùng cát sông thì chỉ muốn dùng cát sông, thậm chí đắt cũng chịu, không muốn thay đổi sang loại vật liệu khác hoàn toàn tương ứng,” Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường, trao đổi với VOA từ Hà Nội.

Ông Võ chỉ ra không chỉ trong san lấp mặt bằng để làm đường mà kể cả san nền nhà, người ta vẫn chuộng dùng cát sông. Ông khuyến nghị cát sông ‘chỉ nên làm vật liệu xây dựng’, còn để san lấp mặt bằng ‘thì nên dùng vật liệu khác, chẳng hạn như cát biển, thậm chí là vật liệu phế thải công nghiệp’.

Hiện tại Việt Nam đang thí điểm khai thác cát biển tại các cửa biển ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, sau đó vận chuyển đến công trường làm đường thuộc thành phần cao tốc Hậu Giang-Cà Mau. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải gửi đến Quốc hội được Thanh niên dẫn lại thì việc thí điểm sử dụng cát biển còn chờ kết quả đánh giá yêu cầu kỹ thuật, tính khả thi và ít nhất phải đến năm 2025 Việt Nam vẫn còn sử dụng cát sông là chủ yếu.

“Chính vì vậy đã dẫn tới hiện tượng là đấu thầu khai thác các mỏ cát đã đẩy giá lên rất cao so với giá khởi điểm,” vị cựu thứ trưởng này cho biết và chỉ ra rằng giá cát sông ở Việt Nam từ năm 2017 đến nay ‘đã tăng gấp 10 lần’

“Đây là điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Việt Nam,” ông nhận định về khủng hoảng cát ở Việt Nam hiện nay.

Giáo sư-Tiến sỹ Võ nhấn mạnh hậu quả nặng nề của việc khai thác cạn kiệt cát sông là ‘thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của dòng sông.

“Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước thì việc thay đổi hệ sinh thái sẽ dẫn đến thay đổi rất lớn đời sống người dân, chắc chắn hệ lụy sẽ vô cùng lớn.” (7:00)

Ông chỉ ra việc sụt lún đất hay sạt lở bờ sông ở vùng đồng bằng này ‘đã được chứng minh bằng các biện pháp đo đạc’, dẫn đến nền đất của vùng đất này ‘đã thấp mà còn tiếp tục bị sụt lún’.

Khi được hỏi liệu chính quyền Việt Nam có nên cấm tiệt khai thác cát sông hay không, ông Đặng Hùng Võ nói ‘có thể làm được’ nhưng với điều kiện ‘phải có đủ vật liệu thay thế’.

Trước câu hỏi tại sao giới chức không cấm hay hạn chế khai thác cát sông trong những năm qua vì những hậu quả của nó, vị cựu thứ trưởng này thừa nhận rằng ‘nhiều cán bộ quản lý ở Việt Nam chưa có tầm nhìn xa’.

Giữa nhu cầu về xây dựng-phát triển và nhu cầu bảo vệ sinh thái, ông phân tích: “Tôi cho rằng cái gì phải đặt lên trước thì có lẽ vấn đề bảo vệ hệ sinh thái của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long phải đặt lên trước. Chính vì vậy Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải cấm khai thác cát sông.”

Vào lúc này, ông khuyến nghị chính phủ chỉ nên cho phép khai thác cát sông ở những vùng đã được khoanh định và lượng cát sông được khai thác chỉ được sử dụng giới hạn trong xây dựng, không cho phép dùng để san lấp mặt bằng nữa.

“Tôi tin rằng có thể thay đổi được. Có điều là Nhà nước có quyết tâm thay đổi không,” ông bày tỏ.