Khu phòng không TQ trên đảo Senkaku - Hệ quả đối với tranh chấp Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc hôm nay lần đầu tiên đã cập vào cảng Tam Á, một quân cảng ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã tường thuật rằng tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thực hiện các cuộc diễn tập và một số cuộc nghiên cứu tại đó.

Báo chí Việt Nam cũng trích dẫn nguồn tin này cho biết là tháp tùng tàu Liêu Ninh là hai tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương và Thạch Gia Trang, và hai hộ tống hạm mang tên lửa là Yên Đài và Duy Phường.

Theo nguồn tin này, trước đó Bộ Ngoại giao Philippine đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc tàu Liêu Ninh đi ngang qua Biển Đông mới đây, nói rằng việc Bắc Kinh phái tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông là một diễn biến đáng lo ngại, đi ngược lại những thỏa thuận mà Trung Quốc đã cam kết trong việc giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông.

Hàng không Mẫu hạm Liêu ninh của Trung Quốc


Trung Quốc thì nói rằng chuyến đi của tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, không nhằm mục đích chống lại các nước khác.

Mới đây, căng thẳng gia tăng sau khi Bắc Kinh tuyên bố nhận dạng khu vực phòng không trên biển Hoa Đông, gây phản ứng mạnh mẽ từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước khác.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Giáo sư Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam và an ninh biển, nói Trung Quốc “đang chơi trò mèo vờn chuột ” với Nhật Bản, nhưng ông khuyến cáo Bắc Kinh chớ nên coi thường khả năng phòng vệ của Nhật Bản. Giáo sư Thayer nhận định:

Mặc dù Nhật Bản chỉ có một lực lượng tự vệ, nước này vẫn là một trong những nước có tiềm năng quân sự hàng đầu ở đông-bắc Á Châu. Đúng là họ có gặp những khó khăn, nhưng nền kinh tế của Nhật đang hồi phục. Đúng là họ bị một đòn mạnh sau trận động đất và sóng thần, nhưng điều đó đã không ngăn cản Nhật Bản huy động lực lượng tuần duyên của mình tới bảo vệ quần đảo Senkaku, nếu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này, hay phái các chiến đấu cơ tiên tiến nhất để chống cự nếu Trung Quốc xâm nhập vùng không phận này.”

Về khả năng quân sự mà Trung Quốc có thể dùng để tăng sức ép đối với các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh ở Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer nói:

Hiện Trung Quốc chưa có đủ máy bay tại Tam Á để thực sự điều hành một lực lượng phòng không hữu hiệu để kiểm soát vùng không phận trên toàn thể Biển Nam Trung Hoa, nhưng nếu Bắc Kinh có thể điều máy bay tới khu vực này, họ có thể thay đổi cán cân lực lượng tại Châu Á.”

Oanh tạc cơ B52 của Mỹ đã bay ngang không phận mới do Bắc Kinh tuyên bố


Giáo sư Thayer cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố vùng phòng không làm căng thẳng leo thang. Ông cho rằng đây là một hành động không cần thiết, đã khiến Nhật Bản, Đài Loan và Nam Triều Tiên lên tiếng phản đối, và cả Úc cũng khiếu nại. Rồi Hoa Kỳ phái 2 oanh tạc cơ B-52 bay ngang qua vùng không phận đó và tuyên bố không chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh, muốn kiểm soát vùng này.”
Đúng là Nhật Bản bị một đòn mạnh sau trận động đất và sóng thần, nhưng điều đó đã không ngăn cản Nhật Bản huy động lực lượng tuần duyên của mình tới bảo vệ quần đảo Senkaku, nếu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này, hay phái các chiến đấu cơ tiên tiến nhất để chống cự nếu Trung Quốc xâm nhập vùng không phận này.
Carl Thayer

Giáo sư Thayer nói bây giờ vùng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố kế tiếp có phần chắc là Biển Nam Trung Hoa. Ông nói hiện chưa biết liệu Trung Quốc có sẽ tuyên bố kiểm soát không phận trên vùng biển nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, hay chỉ vùng không phận chung quanh đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một căn cứ hải quân quan trọng. Giáo sư Thayer nhận định:

Nếu họ làm như thế, so sánh với biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc chỉ đối đầu với Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhưng nếu họ thiết lập vùng phòng không ở ngoài khơi đảo Hải Nam, vùng này sẽ gần với Việt Nam, Philippines, và dĩ nhiên là sẽ chạm tới Hoa Kỳ, và nếu vùng phòng không kéo dài xa hơn xuống miền Nam thì sẽ đụng chạm các nước khác nữa như Malaysia, Singapore và có thể cả Indonesia. Nếu vậy thì Trung Quốc sẽ có thêm nhiều nước thù nghịch trong khi một số nước như Malaysia và Indonesia cho tới nay chỉ muốn làm kẻ bàng quang.”

Giáo sư Thayer cho rằng cuộc tranh chấp ở Biển Đông có phần chắc sẽ kéo dài vô hạn định, và có lẽ sẽ không tim được một giải pháp để giải quyết dứt điểm cuộc tranh chấp này trong thế hệ của ông.