Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh hôm 7/9 ra báo cáo cho hay chất lượng không khí của Hà Nội trong nửa đầu năm 2017 vẫn “đáng lo ngại”, nhưng “đã có cải thiện” so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần dữ liệu phân tích trong báo cáo dựa vào dữ liệu từ trạm đo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam còn được gọi là GreenID cũng so sánh và đánh giá rằng chất lượng không khí ở thủ đô của đất nước “tệ hơn” thành phố Hồ Chí Minh, vốn được coi là đầu tàu kinh tế của Việt Nam.
Báo cáo nói trong nửa đầu năm nay, Hà Nội trải qua những đợt nồng độ bụi trong không khí ở mức cao kéo dài khoảng 3 ngày. Trong đó, có 2 đợt ô nhiễm trầm trọng nhất, với nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí cao hơn 100 microgam trên 1 mét khối (μg/m3).
Trong vòng 6 tháng, tới 139 ngày - tương đương gần 77% số ngày - lượng bụi PM 2.5 trung bình trong 24 giờ vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 25 μg/m3.
Thời điểm ô nhiễm kỷ lục là 10 giờ sáng ngày 15/2/2017, khi nồng độ PM 2.5 theo giờ đạt cực đại ở mức 234 μg/m3 và Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) lên đến con số 284, là mức “rất không tốt cho sức khỏe”. Trước đó, hồi tháng 1, có lúc nồng độ PM2.5 trung bình giờ cực đại là 224,2 μg/ m3 và chỉ số AQI là 274, cùng là mức rất không tốt cho sức khỏe.
Thuật ngữ “bụi PM 2.5” chỉ hạt bụi siêu mịn, có đường kính chỉ bằng 2,5 micromet, trong khi đường kính sợi tóc là 100 micromet. Bụi PM 2.5 rất nguy hiểm vì có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Quý cuối của năm và quý đầu của năm thông thường là thời kỳ mà ô nhiễm không khí cao hơn. Thời điểm đấy cũng có ảnh hưởng do hướng gió từ phía đông Hà Nội. Khu vực này có nhiều điểm sản xuất, các nhà máy xi măng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than.Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID
Tính chung, theo GreenID, chất lượng không khí tại Hà Nội nửa năm đầu 2017 ở mức không tốt cho sức khỏe với nồng độ PM 2.5 trung bình là 42,57 μg/ m3 và chỉ số AQI trung bình là 105,6.
Trong những ngày có nồng độ ô nhiễm cao tại Hà Nội, khối không khí chủ yếu đến từ phía Bắc, bao gồm cả điểm nóng là khu công nghiệp ở Hải Phòng, theo báo cáo.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nói với VOA về các nguồn gây ô nhiễm chính ở Hà Nội:
“[Do] phát thải từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như giao thông, từ hoạt động sản xuất công nghiệp, yếu tố địa hình, vấn đề quy hoạch đô thị. Nó làm cho ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở tình trạng như hiện nay. Quý cuối của năm và quý đầu của năm thông thường là thời kỳ mà ô nhiễm không khí cao hơn. Thời điểm đấy cũng có ảnh hưởng do hướng gió từ phía đông Hà Nội. Khu vực này có nhiều điểm sản xuất, các nhà máy xi măng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than”.
Bà Khanh lưu ý rằng so với cùng kỳ năm ngoái, chất lượng không khí Hà Nội đã bớt tồi hơn. Các con số cho thấy trong nửa đầu năm nay, số giờ không khí không tốt cho sức khỏe chiếm xấp xỉ 46%, thấp hơn so với mức gần 68% trong 6 tháng đầu năm 2016.
Trong khi đó, số giờ không khí tốt cho sức khỏe - bao gồm các giờ có chỉ số AQI ở mức tốt và trung bình - đạt gần 54% trong nửa đầu năm nay, cao hơn đáng kể so với mức hơn 32% của 6 tháng năm 2016.
Vào những giờ cao điểm giao thông, thấy rõ ở Tp. HCM giao thông đóng góp rất lớn đối với tình trạng ô nhiễm không khí. Nhưng ở Hà Nội, theo biểu đồ phần tích đánh giá, tình trạng ô nhiễm không khí vào những giờ cao điểm giao thông và những giờ thông thường thì thấy không có sự khác biệt nhiều lắm.Bà Ngụy Thị Khanh
GreenID cũng nói trong báo cáo của mình rằng chất lượng không khí tại Tp.HCM vẫn tốt hơn so với Hà Nội, với 115 ngày có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình vượt quá tiêu chuẩn quốc tế, thấp hơn 24 ngày so với thủ đô.
Tuy nhiên, ô nhiễm không khí của Tp. HCM có xu hướng gia tăng so với cùng kì năm ngoái.
Bà Khanh nói về sự khác biệt trong ô nhiễm ở Hà Nội và Tp. HCM:
“Vào những giờ cao điểm giao thông, thấy rõ ở Tp. HCM giao thông đóng góp rất lớn đối với tình trạng ô nhiễm không khí. Nhưng ở Hà Nội, theo biểu đồ phần tích đánh giá, tình trạng ô nhiễm không khí vào những giờ cao điểm giao thông và những giờ thông thường thì thấy không có sự khác biệt nhiều lắm".
Nguồn gây ô nhiễm không khí ở Tp. Hồ Chí Minh hầu hết từ khu vực nội đô, theo GreenID. Các yếu tố phát thải nóng của thành phố bao gồm giao thông, các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất công nghiệp.
GreenID cho rằng khi các nhà máy nhiệt điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long trong quy hoạch được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ có tác động thêm nữa đến ô nhiễm ở Tp. HCM, trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam.