Người từng giữ chức chủ tịch của một ủy ban Liên hiệp quốc soạn thảo bản phúc trình tố cáo Bắc Triều Tiên chà đạp nhân quyền trên diện rộng nói rằng không hề có kế hoạch sửa lại bản phúc trình mặc dù có những mối quan tâm về tính chất đáng tin của một nhân chứng quan trọng. Thông tín viên Yeon Cheol Lee của đài VOA tường thuật.
Trong một điện thư gởi cho Ban Hàn ngữ đài VOA, ông Michael Kirby, cựu Chủ tịch Ủy ban điều tra Liên hiệp quốc, nói rằng “ủy ban đã hoàn tất công việc và những gì đã được viết ra không thể thêm, bớt gì nữa.”
Ông Kirby cho biết như thế khi được hỏi về ông Shin Dong Hyuk, một người đào tị Bắc Triều Tiên nổi tiếng và là một nhân vật tranh đấu cho nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ông Shin mới đây nói rằng những lời khai của ông với ủy ban điều tra của Liên hiệp quốc về đời sống trong quần đảo ngục tù ở Bắc Triều Tiên là không hoàn toàn đúng với sự thật. Chính phủ ở Bình Nhưỡng cho rằng bản phúc trình của Liên hiệp quốc là “không có hiệu lực” và yêu cầu cơ quan thế giới này hủy bỏ những nghị quyết về thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên.
Ông Kirby, cựu thẩm phán Tòa Thượng thẩm Australia, nói rằng những sự việc mà ông Shin muốn cải chính là không có tính chất thiết yếu xét trên quan điểm của toàn bộ bản phúc trình.
Ông Kirby cho rằng “quyết định chỉ có thể được xét lại khi nào những bằng chứng có những sự khác biệt đáng kể và thật sự quan trọng; nhưng trong trường hợp hiện nay, những lời khai của ông Shin không thỏa mãn những điều kiện đó.”
Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên hiệp quốc cũng nhấn mạnh rằng Bắc Triều Tiên không để cho cộng đồng quốc tế xem xét tình hình nhân quyền ở nước họ. Ông nói “Một lần nữa, tôi yêu cầu Bắc Triều Tiên mời tôi đến thăm nước họ, trả lời những câu hỏi và thực hiện một cuộc điều tra ngay tại chỗ.”
Bản phúc trình, được công bố cách nay gần một năm, đề nghị chuyển sang Tòa án Hình sự Quốc tế những kết luận của cuộc điều tra của ủy ban Liên hiệp quốc. Ông Kirby khẳng định “Ủy ban không có mục đích nắm giữ vai trò của một công tố viên hay một tòa án. Chúng tôi chỉ đòi hỏi tiến hành một cuộc điều tra.”
Tháng trước, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết có tính chất dấu mốc để yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét tới việc đưa Bắc Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế để xét xử về những tội ác chống nhân loại. Hội đồng Bảo an đã đồng ý xem xét yêu cầu này.