Giữa lúc các lực lượng chính phủ Syria và Nga tái tục chiến dịch oanh kích ở Aleppo, phe nổi dậy Syria lo sợ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ vào tháng Giêng tới, họ sẽ mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trên khắp Trung Ðông, các thế lực kình chống nhau đang tìm cách giải mã chiến thắng bầu cử của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới khu vực này như thế nào trong bối cảnh Trung Đông vẫn đắm chìm trong các cuộc xung đột từ Syria cho đến Iraq, Yemen và Libya.
Chiến đấu cơ Nga và Syria oanh kích khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát. Moscow hồi đầu tuần này tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch quân sự quy mô chống phe nổi dậy, sử dụng các máy bay chiến đấu Nga cất cánh từ Ðịa Trung Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố:
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Nga, hàng không mẫu hạm tham gia tác chiến."
Hoa Kỳ đã lên án Nga và đồng minh trong chế độ cầm quyền ở Syria là gây thương vong lớn nơi thường dân, nhưng trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ dường như đã ra dấu hiệu sẽ dịu giọng hơn.
Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nói:
"Ông Trump tỏ thái độ tương đối lạc quan hơn về nước Nga dưới quyền ông Vladimir Putin, cũng như về vai trò của Nga ở Syria, coi như một lực lượng làm chống Nhà nước Hồi giáo."
Lập trường này gây lo ngại trong khu vực rằng chính quyền của ông Trump có thể rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh nổi dậy người Sunni. Và tình huống đó sẽ tạo ra một lợi thế lớn cho chính phủ Syria và người Shia ở Iran ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran – theo đó một số biện pháp chế tài của quốc tế sẽ bị cắt giảm để đánh đổi việc Iran hạn chế hoạt động hạt nhân – có thể bị ông Trump đảo ngược vì ông xem đó là một thỏa thuận tệ hại.
Quan điểm đó đã khiến ông Trump được sự ủng hộ của các thế lực Sunni trong khu vực.
Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nhận định:
"Ông Obama thực sự không được giới lãnh đạo Vùng Vịnh ủng hộ mà nguyên nhân trên hết là thỏa thuận với Iran. Họ cho rằng ông quá mềm mỏng và ngây thơ đối với Iran. Luận điệu diều hâu của ông Donald Trump đã tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng hiện đang có một sự hoang mang về những quan điểm đó thực sự sẽ như thế nào khi được mang ra thi hành."
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm thứ Tư cảnh báo ông Trump chớ đảo lại thỏa thuận hạt nhân với Iran:
"Thỏa thuận này mang lại cho chúng ta một sự bảo đảm. Nếu không có thỏa thuận thì tình hình có thể rất nguy hiểm.”
Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump, giữa lúc ông đang cân nhắc chọn lựa nhân sự cho nội các mới, nhưng đa số các nhà phân tích đều cho rằng cách tiếp cận của ông đánh dấu một tương phản rõ rệt với đường lối của Tổng thống Barack Obama.
Bà Jane Kinninmont: "Ông Trump từ lâu đã cho người ta cái cảm tưởng rằng ông nể trọng các chính quyền mạnh tay do các nhà độc tài cai trị, có như ở Trung Quốc hay ở Nga, và ông coi những nhà độc tài ở Trung Ðông là một sức mạnh chống khủng bố."
Với những cuộc xung đột tràn lan từ Yemen cho tới Libya, Trung Ðông có thể sẽ là cuộc trắc nghiệm đầu tiên cho những hứa hẹn về những thay đổi chiến lược theo chính sách đối ngoại của ông Trump.