Khi 'phái yếu' bước chân vào chính trường

Your browser doesn’t support HTML5

Khi 'phái yếu' bước chân vào chính trường


Trong những năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu ghi nhận tầm quan trọng của tiếng nói phụ nữ trong chính trị. Một vài quốc gia đã thực hiện một hình thức hệ thống quota, yêu cầu trong quốc hội phải có một mức phần trăm nào đó có sự tham gia của phụ nữ. Một vài tổ chức chính trị đã đi vào nề nếp có thái độ thân thiện hơn với phụ nữ nhưng vẫn có nhiều thử thách mà phụ nữ phải đối mặt khi tham gia vào chính trị.

Hồi tháng trước, nữ kiến trúc sư 27 tuổi người Iran, cô Nina Siahkali Moradi đã xuất hiện trên khắp các mặt báo khi cô đã bị từ chối một ghế tại Hội đồng Thành phố Qazvin ở Iran, mặc dù đã chính thức chiến thắng trong cuộc bầu cử. Theo các hàng tít của các tờ báo lớn, lý do là bởi vì cô “quá quyến rũ” để làm việc trong hội đồng thành phố.

Cô Moradi đã nhận được 10.000 phiếu bầu trong cuộc bầu cử và đáng lẽ sẽ có một ghế tại hội đồng thành phố đang bỏ trống vì người giữ ghế đó được chọn làm thị trưởng. Nhưng sau đó cô đã bị tước quyền đó bởi hội đồng xét duyệt. Một giới chức cấp cao đã trả lời báo chí rằng ‘Chúng tôi không muốn một cô người mẫu sàn catwalk làm việc ở hội đồng.’

Cô Nina Siahkali Moradi bị từ chối ghế trong Hội đồng thành phố vì bị cho là quá quyến rũ

Một liên minh gồm những người đồng tình với quyết định của hội đồng xét duyệt đã khẳng định rằng cô Moradi đã vi phạm quy tắc của đạo Hồi bằng việc dựa vào ngoại hình đẹp của mình để thu hút phiếu bầu. Và về cơ bản, cô đã bị hủy bỏ tư cách đắc cử vì cô đã không mặc bộ quần áo trùm kín người dành cho phụ nữ Hồi giáo khi chụp hình poster quảng bá cho chiến dịch vận động bầu cử. Ðối với nhiều người, điều này quả là một việc khó chấp nhận, đặc biệt là khi cô Moradi đã mặc rất đàng hoàng, trùm voan trên tấm poster. Và nếu đưa ra tranh luận, thì luật pháp có thể đứng về phía cô Moradi. Như luật sư Mohammed Olaiyehfard nói với tờ Iran Wire rằng hội đồng xét duyệt đã sai luật khi loại bỏ tư cách đắc cử của một ai đó vốn đã đủ tư cách để vận động bầu cử và sau đó đã thắng.

Và đây chỉ là một câu chuyện minh chứng cho những thách thức mà phụ nữ nói chung đã, đang, và sẽ gặp phải khi muốn bước vào chính trường.

Chủ tịch và nhà sáng lập của Trung tâm Dân chủ Phụ nữ Quốc tế, một tổ chức được thành lập để bệnh vực những vấn đề mà phụ nữ toàn cầu sẽ phải đối mặt khi muốn tìm vị trí lãnh đạo, bà Barbara Ferris, đã giải thích thêm với thông tín viên VOA về những khó khăn mà phụ nữ sẽ gặp phải khi bước vào những vị trí lãnh đạo:

'Tôi nghĩ là những thách thức thì không có rào cản. Ví dụ như vấn đề tài chính cho một chiến dịch vận động, hay như thách thức về văn hóa. Vì thế mà phụ nữ phải đối mặt với những thách thức, cho dù là ở Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á và những thách thức đó là giống nhau.'

Tuy nhiên, bà Ferris cũng cho biết là nhờ sức mạnh của công nghệ, những rào cản và những thách thức đã được giảm bớt bởi vì hiện thế giới có một mạng lưới toàn cầu tốt hơn cho những phụ nữ muốn chạy đua vào quốc hội, muốn được đào tạo:

'Và với công nghệ càng phát triển thì phụ nữ càng có cơ hội được tiếp cận với nhiều thông tin, nhiều công cụ và kỹ năng. Trong số 40.000 nghị sĩ và ghế quốc hội trên khắp thế giới, phụ nữ chiếm chưa tới 20 phần trăm. Một vài quốc gia yêu cầu con số này phải là 30 phần trăm. Quota là một vấn đề vẫn còn gây tranh cãi và nó sẽ không bao giờ có ở đây, ngay tại Mỹ này. Nó sẽ không xảy ra bởi vì bản chất con người là muốn có quyền lực, một khi bạn có nó thì bạn sẽ không muốn buông tay khỏi nó. Nhưng bạn thử nhìn vào những quốc gia, như Ấn Độ chẳng hạn, ở đây họ thực hiện hệ thống quota trong hội đồng ở địa phương. Một ủy ban liên viện quốc hội đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tại một hội đồng thành phố ở địa phương và phát hiện thấy rằng sau khi có sự hiện diện của phụ nữ, chiếm khoảng 30 phần trăm hội đồng địa phương, sau năm năm, các dịch vụ đã được thực hiện đầy đủ. Ngân sách được cân bằng. Tham nhũng giảm đi. Đây không phải là chuyện cao siêu. Đây là điều mà người dân mong muốn. Đây là điều mà tất cả nam và nữ trên khắp thế giới mong muốn.

Nhưng không phải quốc gia nào cũng có được sự thay đổi như trên. Tập trung riêng chỉ riêng châu Á, bà Ferris thừa nhận, châu Á thực sự là một thách thức:

'Châu Á là một thách thức thực sự và sự thay đổi đang diễn ra chậm, nhưng thực sự là đang có thay đổi. Một trong những sự thay đổi lớn nhất và dễ nhận biết nhất đó là ở Miến Điện với trường hợp của bà Aung San Suu Kyi. Những thử thách ở Châu Á dưới góc nhìn thuộc về văn hóa và truyền thống thì quả thực lớn. Nhưng bạn biết đấy, dân chủ thực sự có tồn tại ở rất nhiều nơi nhỏ lẻ rải rác khắp Trung Quốc, nhưng không phải ở Bắc Kinh. Bạn biết là có những nhà lãnh đạo được bình chọn một cách dân chủ ở một số nơi xa xôi, hẻo lánh, nơi mà người dân thậm chí chằng còn biết Bắc Kinh nằm ở đâu. Được làm việc ở những nơi như Châu Á quả là một trải nghiệm thú vị đối với tôi, bởi vì tôi nghĩ thách thức thực sự mà mọi người phải giải quyết là ở nạn mại dâm và buôn người. Chúng ta cần phải nói tới điều này bởi vì nó cản trở những bước tiến của phụ nữ khi mà, bạn biết đấy, ở một vài nơi, họ thậm chí còn tổ chức những chuyến bay tư nhân phục vụ riêng cho những khách hàng chỉ muốn quan hệ tình dục với những cô gái. Chuyện này sẽ không trở nên khá hơn nếu những nhà lãnh đạo quốc gia không lên tiếng rằng đây là sai trái, đây là tội ác. Điều này là một phần của những thách thức nói chung cho phụ nữ.'

Bà Azadeh Moaveni, người Mỹ gốc Iran, tác giả cuốn sách Lipstick Jihad đã chỉ ra rằng, đàn ông Iran coi chuyện đối xử với phụ nữ như nô lệ là chuyện bình thường.
Quay trở lại với câu chuyện của nữ kiến trúc sư Moradi người Iran lúc đầu, bà Moaveni tin rằng phụ nữ Iran nói chung chắc chắn phải đối mặt với nhiều rào cản to lớn, và những người bầu chọn cho cô Moradi là những người khát khao nhìn thấy sự thay đổi. Họ là những người trẻ, những phụ nữ đã phát ngán với chuyện tham nhũng trong chính trị.

Vào năm 2010, học giả người Iran, tiến sĩ Ansia Khaz Ali đã viết về ngày càng có nhiều phụ nữ Iran tham gia vào nhiều mặt của xã hội, như càng có thêm người biết chữ, thêm người được giáo dục, và thêm nhiều người có sự nghiệp tốt. Mặc dù càng có thêm phụ nữ hoạt động tích cực trong các hoạt động chính trị ở Iran, nhưng con số phụ nữ trong chính phủ vẫn còn rất nhỏ. Theo số liệu trên website của Liên Hiệp Quốc, con số phụ nữ trong quốc hội ở cấp quốc gia chỉ chiếm 3.1 phần trăm.

Bà Ferris, chủ tịch Trung tâm Dân chủ Phụ nữ Quốc tế nói:

'Tôi cho rằng là thái độ của mọi người về việc phụ nữ làm lãnh đạo đang thay đổi rất nhiều, và rất nhiều phụ nữ cũng đang giúp đỡ lẫn nhau. Họ có các chương trình cố vấn, đào tạo. Nhưng bạn phải hiểu rằng, để đạt được một sự thay đổi trong xã hội đôi khi có thể phải mất tới một thế hệ.'

Dù những sự thay đổi này đang phát triển, tác giả người Iran, bà Moaveni, không nghĩ là những sự thay đổi này xảy ra trong thời điểm hiện tại. Nhưng nói về câu chuyện của cô Moradi, bà cũng thừa nhận là một cuộc bầu cử hội đồng địa phương có thể thu hút sự chú ý của toàn thế giới như vậy thì không phải là phổ biến và nó có thể tạo ra một tác động.

Sự việc lần này đã khiến các giới chức Iran nhận ra rằng họ cũng có trách nhiệm với cả người dân Iran lẫn thế giới. Bà nói rằng, thế giới bây giờ đã trở thành một bể cá, và lần sau, có thể họ sẽ nhớ rằng cả thế giới đang theo dõi họ.

Nguồn: dailylife.com.au, gawker.com, VOA Interview