Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu thứ Bảy hàng tuần, nói về Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc phi, một công trình mà ông miêu tả là “biểu tượng mới nhất của người Mỹ tại National Mall”, một công viên trước điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington.
Ông Obama cho rằng công trình chính thức khai trương vào ngày 24/09, “kể lại một câu chuyện của nước Mỹ mà không phải lúc nào cũng được chú ý tới.
“Là một người dân, chúng ta có quyền truyền tải những câu chuyện về những nhân vật vĩ đại đã xây dựng nên quốc gia này,” Tổng thống nói. “Thế nhưng quá nhiều lần, vô tình hay cố ý, chúng ta đã lựa chọn việc xóa bỏ, hoặc lờ đi câu chuyện của hàng triệu người khác.
“Đó là lý do tại sao chúng ta kể câu chuyện này tại National Mall, cùng nơi mà những giai thoại về Tổng thống Washington, Tổng thống Jefferson và nền độc lập của chúng ta được lưu truyền,” ông Obama nói.
Hôm 23/09, phát biểu trước cử toạ gồm khoảng 750 quan khách có mặt tại hội trường lớn của Toà Bạch Ốc để mừng bảo tàng khai trương, Tổng thống Obama nói “Lễ khai trương diễn ra đúng lúc đến lạ lùng.”
Đám đông, gồm nhiều người Mỹ gốc Phi, đã cười lớn và vỗ tay khi hiểu ẩn ý trong câu nói đó.
Thành phố Charlotte, North Carolina, đã rúng động bởi nhiều đêm biểu tình, sau một vụ cảnh sát bắn chết người da đen hôm 20/09. Cũng trong tuần trước, một phiên tòa tại thành phố Tulsa, Oklahoma, đã cáo buộc một cảnh sát da trắng về tội sát nhân, sau khi người này bắn chết một người da đen không vũ trang vài ngày trước đó.
Tổng Thống Obama nói: “Hy vọng của tôi là những người chứng kiến những gì xảy ra ở Tulsa hay Charlotte trên truyền hình, và có lẽ không biết nhiều về trải nghiệm và lịch sử của người Mỹ gốc Phi cũng như một số thách thức trong thời gian gần đây hơn, đến thăm viện bảo tàng này, có thể dừng lại trong giây lát và tự nhủ: bây giờ thì tôi hiểu, tôi thông cảm, tôi đồng cảm với họ. Tôi hiểu được tại sao nhiều người cảm thấy giận dữ và tôi muốn giúp một tay để tìm ra giải pháp, thay vì chống đối và cưỡng lại những thay đổi. ”
Viện bảo tàng mới này, vốn được đề xuất từ năm 1915 bởi một nhóm cựu chiến binh người Mỹ gốc Phi trong cuộc Nội chiến, mở cửa hôm 24/09 tại trung tâm công viên quốc gia trước điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, bên cạnh các đài tưởng niệm chiến tranh, kể cả chiến tranh Việt Nam, và các tổ chức văn hóa khác.
Vị trí của Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá người Mỹ gốc Phi là một nhắc nhở về một quãng thời gian đen tối trong quá khứ. Trong khi National Mall, địa điểm của hơn một nửa viện bảo tàng thuộc hệ thống Smithsonian, được biết đến như “Sân trước của nước Mỹ,” địa điểm này từng được dùng để giam giữ nô lệ, nơi mà những người dân gốc Phi bị nhốt, và mua bán như súc vật.