Khác biệt sâu sắc trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

O'rmon yong'inlari. Gretsiya.

Hoa Kỳ và Trung Quốc mở vòng đàm phán thương mại quan trọng hôm thứ Tư 30/1, giữa lúc hai bên có những khác biệt sâu sắc về yêu cầu của Washington đòi Bắc Kinh cải cách cơ cấu kinh tế. Mối bất đồng này sẽ cản trở hai bên đạt được thỏa thuận trước khi Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc vào ngày 2/3.

Hai bên sẽ gặp nhau ngay bên cạnh Nhà Trắng, trong cuộc đàm phán cấp cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Những người nắm thông tin về cuộc đàm phán và các chuyên gia theo dõi sự kiện này cho rằng đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các yêu cầu cốt lõi của Mỹ đòi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chấm dứt chính sách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận các chính sách của nước này ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Họ nhấn mạnh đã có các bước được thực hiện, gồm giảm thuế ô tô và đưa ra dự thảo luật đầu tư nước ngoài, giúp các công ty nước ngoài cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ đặt ra ngoài vòng pháp luật “các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ”.

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thông qua luật đó, trong khi hầu như chắc chắn là quốc hội chỉ mang tính hình thức của Trung Quốc sẽ phê chuẩn dự luật vào tháng 3.

Theo các quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ, một thành phần quan trọng của cuộc đàm phán để đánh giá về mức độ tiến triển của đàm phán là thỏa thuận về cơ chế xác minh và “cưỡng hành” Trung Quốc phải thực thi mọi cam kết cải cách mà nước này đã đưa ra.
Cơ chế này có thể duy trì mối đe dọa về thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc trong dài hạn.

Một số nhóm doanh nghiệp theo dõi đàm phán không đặt quá nhiều kỳ vọng vào một bước đột phá trong tuần này.

Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho rằng tại thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến hạn chót, ít có khả năng hai bên sẽ đưa ra những đề xuất tốt nhất trong hai ngày tới.

Bà Ennis nói: “Tôi không nghĩ sẽ có kết quả gì lớn. Hy vọng họ sẽ đạt một số tiến bộ tốt đẹp giúp hai bên hoàn tất vào cuối giai đoạn 90 ngày”.

Hôm 29/1, lần thứ nhì trong hai ngày liền, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, một trong những Bộ trưởng trong chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ mạnh mẽ nhất một thỏa thuận với Trung Quốc, đã đưa ra những bình luận lạc quan về cuộc đàm phán.

Ông Mnuchin nói với Fox Business Network rằng ông hy vọng sẽ có “tiến bộ đáng kể” về vấn đề tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ.

(Reuters)