Kết quả bầu cử của Israel ảnh hưởng đến toàn khu vực

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫy chào người ủng hộ tại Trụ sở đảng của ông tại trụ sở đảng Likud ở Tel Aviv, ngày 23/1/2013.

Các đảng chính ở Israel

Các đảng chính ở Israel:

Likud: Ðảng bảo thủ chính; ủng hộ phong trào định cư Israel trong vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.

Yisrael Beitenu (Israel Quê hương ta): Ðảng thế tục, theo chủ nghĩa dân tộc muốn vạch lại đường biên giới để nhiều phần của Israel với khối dân Ả Rập lớn sẽ là một quốc gia Palestine.

Yesh Atid: Ðảng trung phái được thành lập bới cựu ký giả Yair Lapid vào năm 2012

Lao động: Ðảng trung tả, ủng hộ việc nối lại các cuộc thương nghị hòa bình với phe Palestine và hủy bỏ phần lớn các khu định cư Do Thái.

Shas (Liên hiệp các Quan sát viên Torah Sephardic): Ðại diện cho người Do Thái chính thống cực đoan có gốc Trung Ðông, Ðịa Trung Hải và Tây Ban Nha, và ủng hộ một quốc gia dựa vào luật tôn giáo Do Thái.

Habayit Hayehudi (Quê hương Do Thái): Ðảng cực hữu ủng hộ việc sát nhập trên một nửa vùng Bờ Tây và chống đối Hòa ước Oslo.
Các kết quả sơ khởi của cuộc bầu cử cho thấy các khối khuynh hữu và trung tả thắng một số ghế bằng nhau ở quốc hội - một kết quả bất ngờ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải thành lập một liên minh cầm quyền mới.

Với hơn 99% số phiếu được kiểm hôm thứ tư, mỗi bên thắng 60 ghế trong viện Knesset 120 thành viên.

Liên minh đảng Likud theo chủ trương cứng rắn của ông Netanyahu với đảng Yisrael Beitenu dẫn đầu với 31 ghế - ít hơn 11 ghế so với 42 ghế trong quốc hội cũ.

Thủ tướng dự trù sẽ được yêu cầu thành lập một chính phủ mới, một nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn hơn vì thành công bất ngờ của các đảng trung phái.

Nhưng theo dự trù, ảnh hưởng sẽ lan ra khắp khu vực vào lúc có nhiều phần chắc Israel sẽ giữ vững lập trường cứng rắn đối với chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran và cuộc tranh luận sẽ tiếp tục về những cuộc đàm phán đang khựng lại với phía Palestine về tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Bất ngờ lớn nhất diễn ra từ phía đảng Yesh Atid thế tục, thắng được 19 ghế, vượt trội 17 ghế của đảng Lao Ðộng và 12 ghế của đảng cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo Tổ quốc Do Thái.

Ông Netanyahu tuyên bố chiến thắng và cam kết thành lập một liên minh càng rộng rãi càng tốt.

Ông nói với các ủng hộ viên reo hò rằng “thách thức đầu tiên vẫn là ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.” Ông cũng tỏ ý hy vọng “thực hiên loại thay đổi mà dân chúng Israel dđng chờ đợi” với “chính phủ rộng rãi nhất có thể có được.”

Gần 67% trong số 5,5 triệu cử tri của Israel đã đi bỏ phiếu hôm thứ ba, số cử tri đi bầu cao hơn so với các cuộc bầu cử trước đây. Một số chuyên gia cho rằng số cử tri đi bỏ phiếu có thể đã giúp các thành phần trung phái lấy lại đưọc đà và thắng các ghế tại viện lập pháp.

Ảnh hưởng trong khu vực

Theo dự trù số đếm chính thức tuần tới mới có nhưng các kết quả đã có một tác động trong khu vực.

Ông Netanyahu được trông đợi sẽ giữ nguyên vai trò lãnh đạo chính phủ và các chuyên gia phân tích tiên liệu rất ít thay đổi trong các chính sách của Israel về các vấn đề an ninh và khu vực quan trong của khu vực, kể cả chủ trương cứng rắn đối với Iran.

Ông nói: “Ðầu tiên, an ninh vững mạnh trước các thách thức lớn trước chúng ta, và thách thức đầu tiên vẫn là ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.”

Nhận định đó được sự đồng ý của bà Liliane Brunswich, người đi bỏ phiếu ở khu German Colony giàu có. Bà này nói: “Tôi muốn chính phủ bảo vệ Israel.”

Tiến trình hòa bình trì trệ

Giáo sư môn khoa học chính trị của trường Ðại học Do Thái Avraham Diskin nói tình trạng thiếu tiến bộ về việc chấm dứt vụ xung đột giữa Israel và Ả Rập đã gây chia rẽ trong cử tri đoàn. Các cuộc đàm phạn bị khựng lại nhiều tháng về nhiều vấn đề trong đó có việc xây dựng các khu người Israel trong nhưng vùng với đa số dân là người Palestine.

Ông Diskin nói: “Khoảng gần 70% cử tri tin vào giải pháp 2 quốc gia. Họ ủng hộ các cuộc thương nghị với Thẩm quyền Palestine. Nhưng cũng 70%, 70% khác, không tin rằng có cơ may đạt được một thỏa thuận êm thắm.

Bình luận gia chính trị Danny Rubenstein nói phía Israel cũng lo ngại về sự nổi lên của các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở các nước láng giềng giữa tình trạng rối loạn trong thế giới Ả Rập.

Ông nói: “Những gì xảy ra trong thế giới Ả Rập, nhất là ở Ai Cập và Syria, chứng tỏ cho người Israel thấy rằng ta không thể tin cậy người Ả Rập. Chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận với một chế độ ở Ai Cập hay một chế độ ở Syria, và bỗng dưng chế đô này sụp đổ và lại có một chế độ khác.”

Các giới chức Palestine không đặt mấy hy vọng vào một chính phủ mới sẽ làm thay đổi lập trường của Israel.

Ông Hana Ashwari, một giới chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine, hôm thư tư nói: “Tôi không thấy một liên minh hoà bình hay một nhóm hòa bình nào nổi lên vào lúc này và tự tạo ra năng lực mới.”

http://www.voanews.com/flashembed.aspx?t=phg&id=1588440&w=640&h=506&skin=embeded