Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un, than phiền với Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, về ‘sự bá quyền của Mỹ’ hôm 31/5 trong lúc một phụ tá hàng đầu của ông đang có mặt ở New York để dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ, Donald Trump, ở Singapore vào đầu tháng tới.
Ông Kim nói với ông Lavrov, người có chuyến thăm đến Bình Nhưỡng, rằng ông hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác với Nga, quốc gia chủ yếu ở bên lề trong những tháng vừa qua trong lúc ông Kim đang có nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm tiếp cận Hoa Kỳ cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Trong lúc chúng tôi hướng đến điều chỉnh tình hình chính trị đối mặt với sự bá quyền của Mỹ, tôi sẵn sàng trao đổi ý kiến chi tiết và sâu rộng với sự lãnh đạo của ngài và hy vọng làm như vậy sẽ tiến về phía trước,” ông Kim được AP dẫn lời nói với ông Lavrov.
Trước đây, Kim Jong-un từng có những phát biểu gay gắt và thậm chí còn nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bình luận của ông hôm 31/5 được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi một quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên đang có mặt ở New York để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Dù có biên giới với Bắc Triều Tiên và mối quan hệ song phương tương đối nồng ấm mà Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn phát triển hơn nữa, Nga lâu nay vẫn kín tiếng một cách đáng kinh ngạc trong lúc ông Kim nổi lên trên trường quốc tế sau hai cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Chuyến thăm của ông Lavrov đến Bình Nhưỡng là dấu hiệu cho thấy Nga không muốn đứng ngoài lề và bảo đảm được Bắc Triều Tiên thông báo về ý định của họ và quan tâm đến những quan ngại của Moscow.
Trong cuộc tiếp xúc, ông Lavrov đã chuyển đến ông Kim ‘lời thăm hỏi nồng ấm nhất và lời chúc mừng những điều tốt đẹp nhất’ cho ‘nỗ lực lớn’ của ông Kim đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ của Moscow đối với một thỏa thuận mà ông Kim đạt được với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng trước, vốn tập trung vào những biện pháp chấm dứt thù địch và tăng cường trao đổi giữa hai miền Triều Tiên.
Theo truyền thông Nga, ông Lavrov cũng thảo luận những cách mở rộng mối quan hệ song phương với người đồng nhiệm Triều Tiên, Ri Yong Ho.
“Chúng tôi hoan nghênh sự liên lạc đang được hình thành trong những tháng gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ,” Lavrov nói với truyền thông. “Chúng tôi hoan nghênh các cuộc gặp thượng đỉnh đã diễn ra giữa Bình Nhưỡng và Seoul cũng như các cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ.”
Ông cam kết sự ủng hộ của Nga đối với quá trình phi hạt nhân hóa và nỗ lực lớn hơn để tạo lập hòa bình ổn định và lâu dài trong khu vực, nhưng cũng nói rằng Moscow tin rằng các lệnh trừng phạt nên được nới lỏng trong lúc quá trình hòa giải đang diễn ra – vốn khác biệt với lập trường của Mỹ rằng Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa trước.
“Điều hoàn toàn hiển nhiên là khi chúng ta bắt đầu nói chuyện về việc giải quyết vấn đề hạt nhân và các vấn đề khác của bán đảo Triều Tiên, chúng ta nên đi từ thực tế rằng quyết định trên không thể nào trọn vẹn nếu như các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì,” ông Lavrov nói.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên có Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đứng về phía mình trên hồ sơ phi hạt nhân hóa trong khi Mỹ trở thành cường quốc duy nhất lập luận rằng các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng sau, theo nhận định của phóng viên CBS News Margaret Brennan. Ông Kim Jong-un dường như đang phân hóa và chia rẽ chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên.