Qui chế của Jerusalem là vấn đề chính của tiến trình hòa bình

  • Andre Nesnera
Những cuộc thảo luận mới đây giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đặt trọng tâm vào chương trình hạt nhân của Iran. Ít thì giờ được dành để bàn đến tiến trình hòa bình ngưng trệ tại Trung Đông. Trong bài tường trình này từ Washington, Thông tín viên Đài VOA André de Nesnera nhìn vào một vấn đề chính yếu cần phải được giải quyết để thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Qui chế của Jerusalem là một trong những vấn đề cốt lõi trong việc mưu tìm một nền hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine.

Tây Jerusalem bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948. Đông Jerusalem do Jordan nắm giữ nhưng bị sáp nhập vào Israel trong Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967. Vùng này được xem như là một lãnh thổ bị chiếm đóng.

Israel đã tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu, không bị phân chia của nước này. Tuy nhiên người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của họ.

Nhìn vào những cuộc hòa đàm Trung Đông

  • Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã nỗ lực tái tục các cuộc hòa đàm nhiều lần. Sau đây là một số diễn biến trong tiến trình hòa bình kể từ năm 2000.
  • Ngày 20 tháng 7 năm 2000: Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine họp bàn không kết quả tại Trại Nghỉ dưỡng Camp David của Tổng thống Mỹ.
  • Ngày 8 tháng 2 năm 2005: Thủ tướng Israel Ariel Sharon và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đồng ý tại Ai Cập về một cuộc ngưng bắn.
  • Ngày 27 tháng 11 năm 2007: Hoa Kỳ tổ chức hội nghị, Israel và Palestine bắt đầu một tiến trình thảo luận trực tiếp kéo dài một năm, nhưng tiến trình này không tiến triển.
  • Ngày 2 tháng 9 năm 2010: Ông Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp nhau lần đầu tiên sau 2 năm tại Washington.
  • Ngày 26 tháng 9 năm 2010: Israel không tái tục việc ngưng xây dựng các khu định cư, những cuộc thảo luận về vấn đề xây dựng các khu định cư mới của Israel tan vỡ.
  • Ngày 23 tháng 9 năm 2011: Ông Abbas yêu cầu Liên Hiệp Quốc công nhận một quốc gia Palestine dù có sự chống đối của Hoa Kỳ và Israel.
  • Tháng 2 năm 2012: Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hối thúc các giới chức Israel và Palestine tiếp tục những cuộc thảo luận thăm dò đã bắt đầu vào tháng 1 năm nay.

Không có tòa đại sứ nước ngoài nào đặt ở Jerusalem – Tất cả đặt tại Tel Aviv. Cộng đồng quốc tế không công nhận việc Israel xác nhập Đông Jerusalem. Washington tin là số phận của Đông Jerusalem phải được thảo luận trong những cuộc hội đàm giữa Israel và Palestine.

Ông Newt Gingrich, đang ứng cử để được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên Tổng thống, vừa mới đây nêu lên vấn đề Jerusalem trong bài diễn văn đọc tại một tổ chức Mỹ thân Israel.

Ông Gingrich nói: “Trong ngày đầu tiên tôi làm Tổng thống, tôi sẽ ký một Quyết định Hành pháp dời tòa đại sứ Hoa Kỳ đến Jerusalem.”

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton đồng ý.

Ông nói: “Dĩ nhiên phải tham khảo ý kiến chính phủ Israel. Chúng ta muốn làm việc này theo một phương thức hữu lý-tuy nhiên đối với tôi rất khó hiểu tại sao tòa đại sứ Hoa Kỳ không ở tại thủ đô của một nước.”

Ông Alon ban-Meir, một chuyên gia về Trung Đông tại trường đại học New York nói tuyên bố của ông Gingrich là một phần của một bài diễn văn chính trị nhằm kiếm phiếu của các cử tri Mỹ gốc Do Thái.

Ông Ben-Meir nói: “Nếu ông ta trở thành Tổng thống-chuyện khó xảy ra trong tình hình hiện nay-ông ta cũng sẽ chẳng dời tòa đại sứ. Nhiều vị Tổng thống khi chạy đua để được đề cử ứng cử viên Tổng thống, đưa ra những tuyên bố tương tự. Thực vậy, ông Bill Clinton đưa ra tuyên bố tương tự. Ông George W. Bush cũng đưa ra tuyên bố như vậy vào một lúc nào đó. Tuy nhiên không ông nào dời tòa đại sứ bởi vì khi đã vào Tòa Bạch Ốc, họ hiểu được những hậu quả của việc di chuyển như vậy-vì việc này sẽ làm thế giới Ả Rập xa lánh-và Hoa Kỳ không muốn cả thế giới Ả Rập xa lánh chỉ vì những lý do có tính cách tượng trưng.”

Ông Fawaz Gerges, một chuyên gia về Trung Đông của trường kinh tế London đồng ý.

Ông nói: “Việc dời tòa đại sứ này thực sự là một sự di dời quan trọng về phần Hoa Kỳ, sẽ làm hại những quyền lợi thiết yếu của Mỹ, không những chỉ tại thế giới Ả Rập, mà còn trên toàn thể thế giới Hồi Giáo. Jerusalem có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo và văn minh-không những đối với người Do Thái mà còn đối với người Palestine, người Ả Rập và người Hồi Giáo cũng như hàng triệu người Cơ Đốc Giáo.”

Ông Gerges phác họa những bước tiến tới một giải pháp cho vấn đề Jerusalem.

Ông nói: “Ý kiến tổng thể là Hoa Kỳ không dời tòa đại sứ đến Jerusalem cho đến khi có một thỏa ước hòa bình và cả hai cộng đồng, cả hai thực thể đều có thủ đô tại Jerusalem-Đông Jerusalem đối với người Palestine và Tây Jerusalem đối với người Do Thái.”

Tuy nhiên các nhà phân tách nói việc này sẽ không sớm xảy ra, căn cứ vào sự kiện là tiến trình hòa bình Trung Đông đang chựng lại và không có tiến bộ nào kỳ vọng sẽ xảy ra trong năm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.