Không phải chỉ có những người sống trong vùng gặp động đất và sóng thần mới cảm thấy buồn.
Mùa này mọi năm là mùa hoa anh đào của Nhật, mùa của lễ hội và hồi sinh. Nhưng năm nay cảnh này không còn nữa.
Giờ này mọi năm, công viên Ueno có đầy gia đình đến ăn uống và ngắm hoa, nhưng năm nay chỉ có lẻ tẻ.
Trận động đất và sóng thần tháng trước đưa Nhật Bản vào trạng thái “jishuku”, tự kềm chế tập thể.
Hai ông bà Tatsuno, thuộc lớp tuổi 70, có mặt ở công viên Ueno.
Bà nói: “Chúng tôi không vui gì khi nghĩ đến những người gặp nạn ở miền Bắc. Chúng tôi chỉ là những người may mắn. Tất cả chúng tôi sẽ phấn đấu để vượt qua cuộc khủng hoảng này.”
Tinh thần cùng chia sẻ nỗi đau được cảm nhận ở khắp nơi trên nước Nhật. Hình ảnh về tàn phá của trận động đất và sóng thần được chiếu liên tục trên các đài truyền hình.
Nhiều người quan sát ở nước ngoài nhận ra nét chịu đựng, khắc kỷ trên gương mặt của dân chúng Nhật Bản.
Khoảng 200.000 người mất nhà đang sống tại các nhà tạm, nhưng công tác dọn dẹp đã tiến hành mạnh mẽ nhờ một đạo quân tình nguyện đổ về từ khắp mọi miền Nhật Bản.
Kyle Cleveland, giáo sư Xã hội học tại trường đại học Temple của Mỹ cho biết:
“Cách đáp ứng của người Nhật phản ánh phong cách sống của họ, phản ánh tinh thần jishuku của họ.”
Tại khu thương mại Ginza nhộn nhịp của Tokyo, một người bán khoai lang nướng bên đường cho biết từ mấy tuần qua, khoai của ông bán rất chạy. Có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy thủ đô Nhật Bản đang tập sống theo lối khắc khổ.
Các nhà hàng sushi, các quán karaoke bây giờ đều vắng khách, các ông bà chủ lo ngại rồi đây sẽ phải đóng cửa. Các thầy bói bên đường nằm trong số rất ít doanh nghiệp còn hoạt động.
Số phận của Nhật Bản tùy thuộc phải mất bao lâu người Nhật ngoi lên lại sau giai đoạn tự hồi tưởng trong im lặng hiện nay.
Thế giới tiếp tục thán phục tinh thần của người Nhật sau trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3. Bất chấp hàng trăm ngàn người mất nhà, nhu yếu phẩm khan hiếm, dường như các quy tắc ứng xử bất thành văn đã đoàn kết người Nhật lại với nhau.