Thủ tướng Nhật Bản từ chức

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan chào cử tọa trước cuộc họp báo

Nhật Bản sắp có một vị thủ tướng thứ 7 trong vòng 5 năm. Trong một hành động đã được nhiều người chờ đợi, Thủ tướng Naoto Kan hôm nay đã loan báo quyết định từ chức. Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trong khi đang hồi phục sau khi xảy ra các thảm họa hạt nhân và thiên tai chưa từng có trong năm nay.

Vị thủ tướng không được lòng dân đã phải khuất phục trước điều không thể tránh được. Hôm nay, ông Naoto Kan đã thực hiện đúng cam kết từ chức sau chưa đầy 15 tháng nắm quyền.

Ông loan báo việc ra đi và bày tỏ hy vọng người kế nhiệm sẽ có khả năng ở lại chức vụ lâu hơn ông.

Trong các nhận định đưa ra vào lúc mở đầu một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, ông Kan nói với quốc dân rằng ông tin là trong thời gian 1 năm 3 tháng ông tại chức, nội các của ông đã đạt được tiến bộ về cải cách thuế khóa, các chính sách xã hội khác và góp phần giúp Nhật Bản hồi phục sau thiên tai ngày 11 tháng 3 và tai nạn hạt nhân tiếp theo đó.

Ông Kan đã phải đối phó với những lời chỉ trích ngày càng nhiều sau thiên tai ngày 11 tháng 3 vì phản ứng của chính phủ của ông bị coi là thiếu hiệu quả.

Trận động đất mạnh 9.0 độ richter đã gây ra trận sóng thần lịch sử. Thiên tai đã làm 20 nghìn người chết hoặc mất tích. Đó cũng là tác nhân gây ra sự tan chảy của các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Các thảm kịch đó đã đẩy chính trường Nhật Bản vào tình thế ngưng hoạt động, và trì hoãn việc từ chức được coi là không thể tránh khỏi, thậm chí ngay trước cả khi xảy ra các tai họa hôm 11/3.

Trong cuộc họp báo có phần chắc là cuộc họp báo cuối cùng của ông trong chức vụ thủ tướng, ông Kan thừa nhận điều ông gọi là sự bất lực của ông trong việc ứng phó đầy đủ sau các vụ tan chảy lò phản ứng hạt nhân.

Ông Kan đã đã gây tranh luận thêm về khả năng lãnh đạo của ông bằng cách vận động, trong tư cách một người đứng đầu chính phủ yếu kém, một kế hoạch chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân sau khi xảy ra việc rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima.

Nhật Bản có ít nguồn tài nguyên và phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nhiên liệu hóa thạch cũng như các nhà máy hạt nhân để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Ông Kan gần như đã bị buộc phải từ nhiệm hồi tháng Sáu, nhưng đã tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhờ vào sự hậu thuẫn của nhiều người trong chính đảng của ông.

Trong khuôn khổ một thỏa thuận giúp ông không phải từ nhiệm ngay, ông Kan đồng ý sẽ từ chức sau đó. Nhưng những người chỉ trích cáo buộc ông là cố bám víu quyền lực, khi ông thoạt đầu nhấn mạnh rằng một số dự luật cần phải được thông qua trước khi ông ra đi.

Hai dự luật về việc phát hành trái phiếu và năng lượng tái tạo đã được thông qua ngày hôm nay. Động thái đó đã rỡ bỏ các rào cản cuối cùng mà ông Kan dựng lên để tránh việc ông phải từ chức ngay lập tức.

Sau đó ông đã mau chóng sắp xếp để xuất hiện trước các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ cùng với ông để loan báo ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng.

Đảng Dân chủ Nhật Bản sẽ lựa chọn người kế nhiệm ông vào thứ hai tới, với việc bỏ phiếu giới hạn trong gần 400 nhà lập pháp của đảng này. Một ngày sau đó, Quốc hội sẽ lựa chọn tân thủ tướng mà ứng viên của đảng Dân chủ sẽ chắc chắn sẽ giành chiến thắng vì đảng này kiểm soát Hạ viện.

Chiến dịch vận động ngắn ngủi trong đảng của những người chạy đua lên thay thế ông Kan bắt đầu hôm thứ Bảy.

Ít nhất 4 nhà lập pháp sẽ ra tranh chức vụ thủ tướng, trong đó có người được coi là ứng viên hàng đầu là Ngoại trưởng Seiji Maehara và Bộ trưởng Tài chính hiện thời là Yoshihiko Noda.

Tuy nhiên, có tin người chuyên làm trung gian quyền lực của đảng lại ủng hộ Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda.

Đảng Dân chủ Nhật bản được thành lập năm 1998, lên nắm quyền chưa đầy hai năm trước và đang phải đối mặt với vấn đề lục đục nội bộ. Nhà lãnh đạo sắp tới của đảng này có thể sẽ chỉ trải nghiệm thời gian nắm quyền ngắn ngủi.

Nhiều nhà phân tích dự báo về một cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc sẽ diễn ra vào năm tới và sẽ tạo cơ hội cho phe bảo thủ đối lập, Đảng Dân chủ Tự do, trở lại nắm quyền.

Đảng Dân chủ Tự do đã nắm quyền ở Nhật Bản trong phần lớn thời kỳ sau Thế chiến thứ hai.