Những người di tản tụ tập nơi sân bóng rổ của nhà trường, tại đây có các loa phát tin tức nhưng dường như chẳng ai buồn nghe.
Đáp lời kêu gọi của Nhật Hoàng, một số người đã mang nước uống và một số trái cây đến tặng cho những người đang tạm trú.
Số người này đến đây hôm Chủ nhật do xe của quân đội chở đến. Có người cũng tự lái xe lấy. Hầu như người nào cũng mang theo tư trang gọn nhẹ, một hai bộ quần áo và chăn đắp.
Nhưng nếu so với những người đã mất hết nhà cửa vì động đất và sóng thần, nhóm người này còn tương đối không khổ bằng.
Ở đây vẫn còn nhà vệ sinh, cơm nóng một bữa một ngày, máy sưởi chạy bằng dầu hôi, nhiều cửa hàng còn mở cửa, và một nhà tắm công cộng đi bộ khoảng nửa tiếng.
Bà Harumi Takahashi đang có mặt tại đây cùng với các con và các cháu. Khi được hỏi bà nghĩ gì khi thấy khói bốc lên từ các lò phản ứng, bà trả lời thật tình cũng khó nói.
Một người khác, ông Keishu Maeda, là nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ông nói các sự kiện mấy ngày qua làm ông có suy nghĩ khác:
“Trước đây tôi nhiệt tình ủng hộ chính sách năng lượng hạt nhân của chính phủ nhưng bây giờ thì hết rồi.”
Những người khác tại chỗ tạm trú này mếu máo nói rằng lúc nào họ cũng chống đối xây lò hạt nhân trong thành phố họ.
Có một chuyện mà mọi người ở đây dường như đều đồng ý là trước những diễn biến mới cho thấy cuộc khủng hoảng này chưa chấm dứt; họ sẽ có nhiều thời giờ để nghĩ đến số phận và tương lai; và trước mắt, chưa biết phải còn ngủ lại trên nền gỗ cứng của sân bóng rổ này đến bao lâu.
Ngoài 1,5 triệu người mất nhà cửa do trận động đất và sóng thần, còn 200.000 người trong khu vực có nhà máy điện hạt nhân hư hại được yêu cầu rời nhà. Thông tín viên Steve Herman của VOA đến thăm một trường trung học, nơi đang có khoảng 350 người di tản đang tạm trú để tránh xa nhà máy này.