Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục lên tiếng về quần đảo tranh cãi

  • Jim Stevenson

Hình ảnh các hòn đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Ðài và Nhật Bản gọi là Senkaku

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan quyết định sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Á – Âu vào tuần tới, để ngỏ khả năng về một cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Trong khi chưa có sắp đặt về các cuộc thảo luận, hai giới chức này có nhiều vấn đề phải bàn thảo. Thông tín viên đài VOA Jim Stevenson tường thuật thêm về căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.

Các giới chức Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các tàu Nhật Bản ngừng theo dõi hai tàu tuần tra của Trung Quốc tại khu vực tranh cãi thuộc Biển Đông Trung Hoa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói Trung Quốc có quyền giữ cho vùng biển này an toàn.

Bà Khương nói: "Khu vực ngoài khơi đảo Điếu Ngư là một vùng đánh bắt hải sản thường xuyên của các ngư dân Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai các tàu tuần ngư để thực thi luật pháp dựa trên các nguyên tắc và luật lệ phù hợp. Các tàu này tiến hành các hoạt động quản lý đánh bắt cá để bảo vệ nguồn hải sản cũng như bảo vệ sự an toàn mạng sống và tài sản của ngư dân. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ ngưng can thiệp các tàu thực thi luật pháp về ngư nghiệp của Trung Quốc."

Nữ phát ngôn viên còn nói rằng Nhật Bản sẽ tiến hành ‘các biện pháp cụ thể’ để cải thiện quan hệ. Mối bang giao Nhật – Trung đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc hồi đầu tháng này gần một chuỗi đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara vẫn duy trì quan điểm cho rằng quần đảo đó là lãnh thổ Nhật Bản.

Ông Maehara nói: "Không hề có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông Trung Hoa. Quần đảo Senkaku là lãnh thổ của chúng tôi, và chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền. Sẽ không có sự thay đổi quan điểm của chúng tôi về điều đó trong tương lai."

Trong khi đó, ông Banri Kaieda, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Nhật Bản kêu gọi nhanh chóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc bằng cách chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu các khoáng sản đặc biệt.

Ông Kaieda nói: "Lệnh cấm không chính thức về xuất khẩu quặng sắt quý hiếm, tôi phải nhấn mạnh là không chính thức, có thể gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản."

Trung Quốc đã bác bỏ rằng nước này cấm xuất khẩu sang Nhật Bản các khoáng sản được gọi là đất hiếm, một thành phần thiết yếu để sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Nhưng các nhà xuất nhập khẩu cho báo chí biết rằng kể từ tuần trước việc vận chuyển các khoáng sản này đã bị ngừng lại. Chính phủ Nhật Bản nói đang tìm cách làm rõ vấn đề với Bắc Kinh.

Trung Quốc sản xuất hơn 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu, vốn được sử dụng trong các sản phẩm như ổ đĩa máy tính và các dòng xe ôtô hybrid.

Các dữ liệu của Nhật Bản cho thấy Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất Nhật Bản năm ngoái. Thương mại song phương đã đạt 150 tỷ đôla từ tháng Giêng cho tới tháng Sáu năm nay.