Tại một khoảng sân nhỏ ở trung tâm thành phố Phnom Penh là ngôi trường công lập cổ nhất thành phố. Thành lập cách đây hơn 100 năm, trường Tuan Hoa gồm một ngôi chùa Tàu và một lớp dạy tiếng Quan thoại cho 2.000 học sinh.
Bất kể lịch sử lâu đời và quan hệ chính trị thân thiết, việc sử dụng Hoa ngữ tại thủ đô Campuchia vẫn không theo kịp Anh ngữ, khiến cho ngôi trường trở thành một nơi giáo dục chọn lọc đặc biệt vào thời điểm này.
Phó hiệu trưởng trường Loeung Sokmenh nói có một lý do ngày càng nhiều để học sinh học Hoa ngữ, trong đó có công việc làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch và cơ hội đi du học.
Bà nói: "Hiện giờ, du khách và các nhà đầu tư, các nhà máy may mặc đến Campuchia, họ cần thông dịch viên. Hiện giờ, các nhà đầu tư là từ Trung Quốc, Singapore và Malaysia đến để xây các nhà máy, họ cần tiếng Hoa và tiếng Khmer. Ngành du lịch cũng vậy".
Phía bên kia thị trấn là Trường Quốc tế Zhongchua, một học viện tư nhân do người Trung Quốc điều hành nhận khoảng 200 học sinh hồi tháng 8 năm ngoái.
Ở đây, học sinh học tiếng Khmer và tiếng Quan thoại hoặc tiếng Khmer và tiếng Anh. Một nhân viên trong ban giảng huấn nói chuyện với đài VOA nhưng không muốn nêu danh tính cho biết hơn phần nửa các em học sinh Campuchia theo các lớp tiếng Khmer và tiếng Anh, trong khi các lớp học tiếng Quan thoại gồm học sinh người Trung Quốc sinh sống cùng với cha mẹ ở Phnom Penh.
Bất chấp số du khách và doanh nghiệp Trung Quốc đang gia tăng ở Campuchia và quan hệ thân thiết giữa hai chính phủ, số người Campuchia chọn sinh ngữ thứ hai là tiếng Anh vẫn cao hơn nhiều.
Quan hệ ở cấp cao nhất
Các quan hệ Trung-Khmer về chính trị và kinh tế đã tăng trưởng rất mạnh trong những năm vừa qua. Đầu tư Trung Quốc tăng liên tục, du khách Trung Quốc đứng vào hàng thứ nhì trên danh sách du khách nước ngoài và Bắc Kinh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án hạ tầng cơ sở của Campuchia.
Bà Khlot Thyda, chủ tịch Hàn lâm viện Hoàng gia Campuchia và là cố vấn riêng của Thủ tướng Hun Sen, nói mặc dầu hai nước có quan hệ tốt từ thời xa xưa, mối bang giao vẫn lệ thuộc phần lớn vào quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo.
Bà nói cũng có sự thông hiểu là có một cái giá phải trả cho mối quan hệ đó, "bởi vì, như mọi người biết, không ai giúp mình nếu mình không giúp họ trở lại".
Thủ tướng Campuchia thường xuyên ca ngợi các lợi ích của mối bang giao của nước ông với Bắc Kinh.
Trong lễ khánh thành một con đường của Trung Quốc tại tỉnh Kampong Speu tuần trước, Thủ tướng Hun Sen nói các quan hệ ở mức cao nhất. "Nhất là Campuchia chúng ta được sự trợ giúp nhiều của Trung Quốc".
Theo ông Hun Sen, Trung Quốc sẽ cấp viện khoảng từ 140 triệu đôla vào năm 2015, so với khoảng 100 triệu hồi năm ngoái.
Con đường hai chiều
Về phần mình, chính phủ Campuchia đã công khai ủng hộ Trung Quốc, nhất là trong vấn đề gây tranh cãi về những khẳng định lãnh hải trong vùng Biển Đông.
Phnom Penh đã liên tục ủng hộ ý của Bắc Kinh chỉ muốn thương lượng một cách song phương bất chấp những lời kêu gọi của các lân quốc Đông Nam Á, nhất là Việt Nam và Philippines, đòi một giải pháp đa phương cho vấn đề.
Nhưng những liên kết kinh tế và chính trị ngày càng tăng này không nhất thiết dẫn tới những quan hệ văn hóa chặt chẽ hơn.
Ông Chheang Vannarith, một giáo sư tại trường Đại học Leeds ở Anh Quốc, nói bất kể sự giao tiếp mật thiết hơn của Trung Quốc với Campuchia, ảnh hưởng văn hóa không tăng thêm bởi vì Bắc Kinh đặt nặng hơn vào viện trợ quân sự và hạ tầng cơ sở.
Ông nói Trung Quốc nên làm nhiều hơn để hỗ trợ cho các dịch vụ xã hội và xã hội dân sự.
Ông Vannarith nói: "Đây là tình trạng thiếu sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Campuchia. Trung Quốc không có chính sách hỗ trợ cho xã hội dân sự, mà chỉ có các chính sách viện trợ ở cấp chính phủ và doanh nghiệp. Trung Quốc nên xét lại vấn đề đó để cải thiện hình ảnh của mình".
Lợi ích của việc giảng dạy Hoa ngữ
Sự tụt hậu trong ảnh hưởng về văn hóa và ngôn ngữ không phải là vì thiếu sự cố gắng về phía Bắc Kinh, là phía đã mở nhiều trường ngôn ngữ và văn hóa ở Campuchia, kể cả Phái bộ Văn hóa đầu tiên ở nước ngoài bên trên trường Zhongchua hồi năm ngoái.
Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chon Naron nói các lớp học tiếng Quan thoại có đem lại lợi ích cho một số học sinh dưới hình thức 100 học bổng thường niên của Bắc Kinh để theo học tại các trường của Trung Quốc.
Nhưng bất chấp các khích lệ đó, ông thừa nhận rằng việc giảng dạy Hoa ngữ vẫn chưa theo kịp Anh ngữ.
Ông nói: "Số học sinh học Hoa ngữ rất ít so với số học sinh học Anh ngữ".
Trong những ngày này ở thủ đô Campuchia, ảnh hưởng văn hóa tây phương vẫn bao trùm ở Campuchia với các phim ảnh nước ngoài, các bảng hiệu và bích chương bằng Anh ngữ ở khắp thành phố và sự thống trị của các nhãn hiệu tây phương trong các cửa hàng và ngoài đường phố.
Nhưng trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron nói ảnh hưởng của Trung Quốc cũng sẽ rộng lớn hơn.
"Hoa ngữ là xu hướng kinh doanh ở Đông Nam Á vì đa số người làm doanh nghiệp đều nói tiếng Hoa, trong đó có những người từ Singapore, Malaysia và Philippines".