Chính quyền Israel đã không cho người đứng đầu cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) vào Dải Gaza hôm 18/3, UNRWA và Ngoại trưởng Ai Cập cho biết và gọi đây là động thái chưa từng có.
Philippe Lazzarini, lãnh đạo UNRWA, phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại một cuộc họp báo ở Cairo, cho biết ông định đến Rafah vào ngày 18/3 ‘nhưng tôi đã được thông báo một giờ trước rằng tôi bị từ chối nhập cảnh vào Rafah’.
Shoukry nói với Lazzarini: “Ngài đã bị chính phủ Israel từ chối, từ chối cho nhập cảnh, đó là động thái chưa từng có đối với vị đại diện ở vị trí cao như vậy.”
UNRWA, được thành lập vào năm 1949, cung cấp viện trợ và các dịch vụ thiết yếu cho người tị nạn Palestine và cơ quan cứu trợ lớn nhất ở Gaza.
Động thái không cho ông Lazzarini vào xảy ra trong lúc người Palestine ở Gaza đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, với một phúc trình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn hôm 18/3 cho biết nạn đói đoán được dự đoán sẽ xảy ra từ nay đến tháng Năm ở bắc Gaza.
“Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để cố gắng đảo ngược tác động của nạn đói lan rộng và tình trạng chết đói có thể xảy ra ở Dải Gaza,” ông Lazzarini nói và gọi nạn đói ở Gaza là ‘nhân tạo’.
Cuộc khủng hoảng này có thể được giải quyết và đẩy lùi thông qua ý chí chính trị đúng đắn và Gaza có thể ‘tràn ngập’ lương thực thông qua các cửa khẩu trên bộ, ông nói thêm.
Ông Lazzarini đã đến thăm Dải Gaza bốn lần kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào ngày 7/10 và nhiều lần trước đó nữa, Juliette Touma, giám đốc truyền thông của UNRWA, nói với Reuters.
Đây là lần đầu tiên ông Lazzarini bị từ chối nhập cảnh kể từ khi ông bắt đầu nắm chức vụ mà ông được bổ nhiệm hồi năm 2020.
“Chúng tôi đã sẵn sàng rời đi sáng nay trên một chiếc máy bay Ai Cập từ Cairo đến El Arish,” Touma nói thêm.
UNRWA là trung tâm của cuộc khủng hoảng xung quanh những cáo buộc của Israel hồi tháng 1 rằng 12 trong số 13.000 nhân viên của họ ở Gaza đã tham gia vào cuộc tấn công Israel của Hamas hôm 7/10.
Cáo buộc của Israel đã khiến 16 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, treo lại 450 triệu đô la tiền tài trợ cho UNRWA, khiến cơ quan này rơi vào khủng hoảng.
UNRWA đã sa thải một số nhân viên, nói rằng họ hành động để duy trì khả năng hỗ trợ nhân đạo, và một cuộc điều tra nội bộ độc lập của Liên Hợp Quốc đã được tiến hành.