Các nhà lãnh đạo Pakistan và Afghanistan sẽ đồng chủ tọa một cuộc họp khu vực lần thứ năm tại Islamabad trong tuần này để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Afghanistan.
Tất cả các nước và tổ chức tham dự hội nghị cấp bộ trưởng của sự kiện được gọi là ‘Trái tim châu Á/Tiến trình Istanbul’ đều mưu tìm một cuộc đối thoại chính trị bền vững và hữu hiệu nhằm tăng cường chống khủng bố và hợp tác kinh tế khu vực tại Afghanistan.
Tuy nhiên, cuộc họp mới nhất diễn ra vào mộ thời điểm mà các quan hệ thường khó chịu giữa Afghanistan và Pakistan một lần nữa lại bị lu mờ vì những nghi kỵ và mất lòng tin sâu xa sau một thời kỳ đã được cải thiện trong nửa đầu năm.
Phe Taliban đã mở rộng các hoạt động nổi dậy ở Afghanistan trong năm nay qua những khu vực từng được coi là tương đối hòa bình trong cuộc chiến tranh đã kéo dài 14 năm, một lần nữa lại khơi ra những lời cáo buộc của một số giới chức Afghanistan cho rằng nhóm này đang được sự hậu thuẫn bí mật của Pakistan.
Bang giao đã xấu đi đến độ có những gợi ý rằng Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan có thể quyết định không đi Islamabad dự hội nghị thượng đỉnh. Nhưng hôm nay, các giới chức Pakistan và Afghanistan xác nhận rằng ông Ghani sẽ dự họp.
Phát biểu tại Kabul, tổng thống Afghanistan nói ông sẽ đi Islamabad bởi vì “đây không phải là hội nghị của Pakistan, đây là hội nghị của Afghanistan.
Cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Pakistan, ông Sartaj Aziz, nói với các phóng viên rằng Tổng thống Afghanistan cũng sẽ mở một cuộc họp song phương với Thủ tướng Nawaz Sharif của Pakstan và hai bên sẽ thảo luận về các cuộc hòa bình đã gặp khó khăn lâu nay giữa Kabil và phe Taliban ở Afghanistan.
Ông Aziz nói tất cả các bên can dự trên trường quốc tế đã nhấn mạnh rằng không thể chấm dứt cuộc nổi dậy ở Afghanistan mà không có các cuộc nghị hòa. Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận giữa ông Sharif và ông Ghani sẽ chủ yếu xác định “cách thức và trên cơ sở nào” có thể khởi xướng các cuộc đàm phán về hòa bình và hòa giải.
Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đối tác chủ chốt trong tiến trình Trái tim châu Á, đã hối thúc cả hai lân quốc nên cùng làm việc vì hòa bình của Afghanistan. Trước cuộc họp ở Islamabad, đặc sứ Hoa Kỳ về Afghanistan và Pakistan, ông Richard Olson nhắc lại lời kêu gọi của Washington về việc xây dựng lòng tin chung.
Ông Olson nói: “Sự ổn định trong khu vực này là cấp thiệt và hội nghị cấp bộ trưởng Trái tim châu Á này là một thí dụ về các nỗ lực tăng cường sự hòa nhập khu vực để dẫn tới hòa binh, an ninh và tăng trưởng kinh tế lớn hơn trong khu vực. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội tuyệt hảo để Afghanistan đóng một vai trò dẫn đầu trong việc phát triển hợp tác khu vực, nhất là trong lãnh vực chống khủng bố.”
Về phần mình, Tổng thống Ghani than phiền rằng Pakistan chưa đáp lại những bước đáng kể mà ông đã thực hiện trong việc tiếp xúc với Afghanistan để giúp chấm dứt cuộc nổi dậy của phe Taliban – và áp lực chính trị trong nước mà ông phải chịu đựng vì việc này.
Phát biểu ở Đức trong chuyến thăm nước này tuần trước, ông Ghani lập lại những mối quan ngại rằng phe nổi dậy Taliban đang được sự hỗ trợ của Pakistan.
Ông Ghani nói: “Pakistaqn đã ở trong tình trạng thù nghịch ngấm ngầm với Afghanistan từ 14 năm qua, một số người còn cho là tới 40 năm … Theo nhận định của chúng tôi, thì hòa bình chủ yếu phải là bảo đảm rằng chính phủ Pakistan tiếp xúc với chúng tôi, cơ bản có liên quan đến sự nhất trí về mối đe dọa khủng bố, và sau đó thỉ chúng ta có thể củng cố.”
Ông Ghani cũng nêu thắc mắc về kết quả của bất cứ cuộc hòa đàm nào trong tương lại với phe Taliban ở Afghanistan, viện dẫn những chia rẽ trong phe nổi dậy sau cái chết của thủ lãnh lâu đời Mullah Omar.
Ông Ghani nói tiếp: “Không có cái gì gọi là Taliban. Có những nhóm của họ và có sự cạnh tranh giữa họ với nhau. Nhưng điều quan trọng phải thừa nhận những gì là những kết quả có liên quan đến hòa bình.
Phe Taliban bác bỏ tin tức của cơ quan tình báo Afghanistan là mang tính tuyên truyền. Các bản tin nói rằng có những chia rẽ trong phe nổi dậy dưới quyền thủ lãnh mới là Mullah Akhatar Mansour.
Nhóm Hồi giáo hôm thứ bảy đã công bố một đoạn băng video ghi âm tiếng nói của Mansour để chứng tỏ ông ta còn sống và an toàn. Tin nhắn ghi âm được phổ biến vài ngày sau khi các giới chức Afghanistan cáo buộc có tranh cãi nội bộ trong một cuộc họp các vị chỉ huy Taliban ở nước Pakistan láng giềng đã gây thương tích và đưa đến cái chết của ông Mansour.