Indonesia xin Trung Quốc lập quỹ đặc biệt thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 2 từ trái qua) và tổng giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Thịnh Quang Tổ đứng bên mô hình một chiếc tàu tại lễ động thổ tuyến đường sắt nhanh Jakarta-Bandung ở Walini, Tây Java. Đây là một dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc thành lập một quỹ đặc biệt trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sau khi mời Trung Quốc tham gia các dự án trị giá 91 tỷ USD, các quan chức chính phủ nước này cho biết hôm 3/7.

Indonesia không nằm trong số những nước hưởng lợi lớn nhất từ việc Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ đô la để tạo ra Con đường tơ lụa thời hiện đại.

Indonesia cho biết lý do là vì họ đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản vay nào trong khuôn khổ BRI cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở doanh nghiệp với doanh nghiệp để tránh liên quan đến chính phủ trong trường hợp vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho các phóng viên biết Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra yêu cầu về một quỹ đặc biệt trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Nhật Bản vào tuần trước.

Bộ trưởng Indrawati nói bà được giao trách nhiệm thiết lập cơ cấu quỹ, bao gồm một đề xuất với Trung Quốc về quy mô của quỹ và các tiêu chí cho các khoản vay từ quỹ này.

Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải, Luhut Pandjaitan, nói riêng với các phóng viên rằng quỹ đặc biệt sẽ cung cấp các khoản vay “với lãi suất thấp liên quan đến đầu tư vào Indonesia và hợp tác với các công ty Indonesia.”

Trước đây, Bộ trưởng Pandjaitan, người quản lý các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường ở Indonesia, cho biết chính phủ Indonesia đã đề nghị Trung Quốc tham gia vào khoảng 30 dự án, trị giá 91 tỷ USD, tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai diễn ra vào tháng 4 vừa qua.

Liên doanh BRI lớn nhất ở Indonesia là một dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD nối thủ đô Jakarta với trung tâm dệt may của thành phố Bandung, được trao cho một tập đoàn của các công ty nhà nước Trung Quốc và Indonesia vào năm 2015 để thực hiện.

Dự án này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan tới quyền sở hữu đất đai.

Một dự án gây tranh cãi khác là một nhà máy thủy điện trị giá 1,5 tỷ USD, được tài trợ bởi các ngân hàng Trung Quốc và được xây dựng bởi công ty nhà nước Trung Quốc Sinohydro, ở trung tâm của rừng mưa nhiệt đới Batang Toru trên đảo Sumatra, nơi sinh sống của loài đười ươi Tapanuli đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Agus Djoko Ismanto, một giám đốc điều hành của công ty phát triển nhà máy điện PT North Sumatra Hydro Energy, hôm 3/7 bác bỏ cáo buộc cho rằng công trình này phá hoại môi trường sống của đười ươi. Ông nói với các phóng viên rằng 11% công trình đã hoàn thành và nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2022.