Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm HIV tăng nhanh nhất ở châu Á, nhưng phần lớn thanh niên Indonesia không biết lý do vì sao.
Số liệu của bộ y tế nước này cho thấy khoảng 75% người Indonesia tuổi từ 15 đến 49 tin rằng HIV lây truyền qua muỗi. Giống như nhiều người bạn cùng trang lứa, Cô Ariyanti Tarman 26 tuổi nói rằng cô không được theo học một lớp chính quy nào về tình dục ở trường.
Cô Ariyanti nói: “Nội dung gần nhất với vấn đề đó là môn sinh học và môn đó chỉ nói về vấn đề sinh sản mà thôi. Vì vậy em tìm hiểu thông tin về tình dục và các vấn đề liên quan như HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục qua sách báo, tạp chí, Internet và cũng từ phim ảnh.”
Quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất này rất bảo thủ về các vấn đề xã hội và đối với nhiều người nói về vấn đề tình dục là một điều cấm kỵ.
Nhưng, một cách cấp tiến hơn đề cập đến vấn đề tình dục đang gây áp lực đối với các quan niệm cổ truyền.
Một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây cho thấy gần 40% thanh thiếu niên Indonesia đã quan hệ tình dục và phần lớn đều không sử dụng các phương pháp tránh thai với bạn tình mới.
Vì chính phủ ngần ngại không muốn đưa vấn đề giáo dục tình dục vào trong các chương trình giảng dạy quốc gia, bà Zoya Amirin, một chuyên gia tư vấn về tình dục nổi tiếng, đang tự mình hành động.
Bà Amirin vừa bắt đầu đăng tải các đoạn video hàng tuần về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục và nói rằng bà hy vọng những video này sẽ giúp bổ sung kiến thức về vấn đề này.
Bà Amirin nói: “Phần lớn các nghiên cứu cho thấy đa phần người ta học hỏi từ các phim ảnh khiêu dâm, hỏi bạn bè và tin vào những lời đồn. Đó là một điều nguy hiểm. Ví dụ, họ tin rằng rửa sạch các bộ phận sinh dục sau khi quan hệ, nhất là bằng cồn, có thể ngăn chặn việc nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.”
Tình trạng thiếu thông tin cơ bản về sức khỏe tình dục và sự phổ biến của những lời đồn đại cũng đi đôi với việc lây lan HIV trên khắp cả nước.
Ủy ban Phòng chống AIDS Quốc gia báo cáo rằng tỷ lệ nhiễm HIV đang gia tăng ở nhiều tỉnh, trong đó có Bengkulu, Papua, Maluku, Aceh and Banten.
Các số liệu chính thức cho thấy khoảng 70.000 người Indonesia nhiễm HIV dương tính, nhưng ước tính con số thực tế có thể lên tới 300.000 người.
Cô Aryanti Tarman cho rằng thái độ bảo thủ cần phải bắt kịp với thực tế của cuộc sống thường nhật.
Cô Aryanti nói: “Tôi nghĩ nhiều người quan hệ tình dục thường xuyên mặc dù họ chưa kết hôn. Dường như xã hội nói chung đang tìm cách làm lơ trước điều đó. Họ vẫn giả vờ như điều đó không phải là sự thực, nhưng điều đó thực sự đang diễn ra, vì vậy, quí vị cần phải làm điều gì đó và bảo đảm rằng nếu người trẻ làm như thế thì ít nhất họ cũng phải quan hệ một cách an toàn.”
Mặc dù chính phủ không muốn đưa vấn đề giáo dục tình dục vào trong các chương trình giảng dạy, nhưng các nhà giáo không theo truyền thống như Zoya Amirin nói rằng họ đang nhận thấy một sự thay đổi trong thái độ của công chúng. Bà Amirin nói rằng bà đã nhận được rất nhiều phản hồi về các chương trình truyền hình qua mạng hàng tuần của bà và thậm chí rất thích thú với phản ứng của những nhân vật tôn giáo bảo thủ.
Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng Amirin nói rằng một số trường Hồi giáo tư nhân đã mời bà giảng dậy các khóa học về tình dục trong năm nay.
Mặc dù thanh niên Indonesia có thể thông thạo về thời trang, phim ảnh và các đồ điện tử mới nhất, nhưng khi nói đến những kiến thức cơ bản về cơ thể họ thì họ không được thành thạo như vậy. Thông tín viên Kate Lamb đã tìm hiểu về vấn đề giáo dục tình dục tại đất nước có đông người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới này.