Indonesia cho biết sẽ ký một thoả thuận quốc phòng với Nhật Bản – một quyết định chắc chắn sẽ gây quan ngại ở Trung Quốc, mà Jakarta đã có một hiệp ước quân sự.
Hôm nay, Indonesia loan báo một thoả thuận quốc phòng không có tính ràng buộc sẽ được ký với Nhật Bản vào tuần tới khi Tổng thống Joko Widodo đi thăm Tokyo để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.
Các giới chức Indonesia nói thoả thuận sẽ tăng cường hợp tác trong kỹ thuật quân sự, các hoạt động huấn luyện và gìn giữ hoà bình; một sự thúc đẩy đáng kể vượt lên trên mối quan hệ quốc phòng hiện tại, chủ yếu giới hạn trong việc trao đồi sinh viên quân sự. Hiệp ước mới còn có thể bao gồm cả việc trao đổi thông tin tình báo.
Indonesia đã có một mối quan hệ quân sự chính thức hơn với Trung Quốc, là nước Indonesia đã có một thoả thuận có tính ràng buộc, và đã mua phi đạn và các thiết bị khác của Trung Quốc.
Tổng thống Widodo cũng sẽ đi thăm Trung Quốc ngay sau khi đi Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nói tổng thống sẽ nêu ra vụ tranh chấp lãnh hải căng thẳng ở Biển Đông ở cả Tokyo lẫn Bắc Kinh.
Ông Nasir nói: “Dĩ nhiên vấn đề hoà bình và ổn định khu vực sẽ được thảo luận cả ở Nhật Bản lẫn Trung Quốc, bởi vì tầm quan trọng của việc bảo đảm rằng khu vực tiếp tục hưởng lợi ích của ổn định và hoà bình, bởi vì đây là một yếu tố chính trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực.”
Nhật Bản không đòi chủ quyền trong vùng Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền những hòn đảo không có người ở vùng Biển Hoa Đông, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Là quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á về mặt diện tích và dân số, Indonesia đã có một lập trường trung lập về các vụ tranh chấp lãnh thổ, như phát ngôn viên Nasir nêu ra, và đề nghị làm trung gian điều giải cho các nước láng giềng và Trung Quốc.
Phát ngôn viên Nasir nói thêm: “Chúng tôi là một nước không đòi chủ quyền, nhưng chúng tôi có cam kết giúp bảo đảm rằng có thể có sự tin tưởng bên trong các quốc gia, các nước đang đòi chủ quyền về vấn đề này. Chúng tôi đã vận động để thương thuyết, đặc biệt thông qua ASEAN, và tôi nghĩ có một vài tiến bộ ở đó, nơi Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền khác là thành viên ASEAN đã thảo luận về vấn đề này.”
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã củng cố chính sách an ninh, tăng cường quan hệ với Philippines và Việt Nam, là những nước cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Jakarta sẽ khiến cho công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cạnh tranh được nhiều hơn với các nhà sản xuất thiết bị quân sự Nam Triều Tiên.
Trong nước, ông Abe đã tìm cách nới lỏng những hạn chế được ghi trong hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản do Hoa Kỳ áp đặt sau khi Nhật Bản thua trận trong Thế chiến thứ hai. Nhưng việc ấy đã gây ra lo ngại đáng kể ở Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên, là những nước đã chịu đau khổ dưới bàn tay đô hộ của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ thứ 20.
Your browser doesn’t support HTML5