Indonesia hy vọng văn hóa của họ có thể trở thành nguồn lợi kinh tế

  • Sara Schondardt

Các phụ nữ nấu nhiều loại 'rendang', một món cà ry truyền thống, chuẩn bị cho một buổi nếm món rendang

Nền kinh tế Indonesia nổi bật vào lúc nền kinh tế thế giới đang ảm đạm, lôi kéo sự chú ý mới của các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng, các giới chức nói rằng tiềm năng kinh tế của Indonesia không phải là điều duy nhất đáng được cổ võ. Indonesia đang muốn xuất khẩu truyền thống văn hóa ra bên ngoài.

Hai phụ nữ, sử dụng những chiếc xẻng khổng lồ đảo liên tục một chảo thịt bò sắt lát đang sôi trong nước sốt cà ry. Họ đã làm việc này trong gần tám giờ đồng hồ, số thời gian điển hình đòi hỏi để nấu món ăn có tiếng này của Tây Sumatra được biết với tên rendang.

Trong ngày này họ sẽ phục vụ gần 100 khách, tới để học về rendang; nấu như thế nào, nguồn gốc của nó, và sự quan trọng về lịch sử của nó.

Kinh tế Indonesia, nước có đân số động thứ 4 thế giới, làm thế giới kinh ngạc vì múc tăng trưởng vượt trông đợi của các nhà kinh tế. Chi tiêu trong nước tăng mạnh, khiến nhiều công ty nước ngoài muốn nhảy vào Indonesia đầu tư.

Nhưng tất cả mọi chú ý này hướng về kinh tế, nghệ sĩ, chuyên viên ẩm thực, và một số giới chức Indonesia giờ đây nói rằng nước họ vẫn chưa đủ chú ý để quảng bá nền văn hóa phong phú của họ.

Bà Mari Pangestu, người đứng đầu Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, nói rằng cần phải có thay đổi:

“Chúng ta cần phát triển các công nghiệp sáng tạo, bởi vì nó có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng nó cũng quan trọng vì có tiềm năng nâng cao hình ảnh của đất nước.”

Bộ của bà có 15 bộ phận chú trọng vào việc tao dựng sự ủng hộ cho các công nghiệp sáng tạo, trong đó có phim ảnh, thời trang, và truyền thống ẩm thực. Bà nói đặc biệt là thực phẩm có thể ảnh hưởng mạnh tới việc quảng bá văn hóa, và có thể giúp thúc đẩy ngành du lịch.

Ngoài thực phẩm, các nhãn hiệu thời trang cũng có tác dụng quảng bá di sản văn hóa của Indonesia bằng cách pha trộn những khuôn mẫu và hình ảnh truyền thống với các khuynh hướng hiện đại. Một trong những thí dụ nổi tiếng nhất là “Damn, I love Indonesia,” một khẩu hiệu xuất hiện năm 2008 được in trên áo thun đi kèm với các biểu tượng văn hóa hay những hình ảnh văn hóa đại chúng liên quan đến các biểu tượng chính trị như Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia .

Bà Pangestu nói rằng những chuyện đó giúp làm sâu đậm niềm tự hào của dân chúng tại Indonesia và có thể nâng cao hình ảnh của Indonesia trên trường quốc tế.

Các nỗ lực này có thể tái khẳng định những mảnh di sản văn hóa của Indonesia đang có nguy cơ phai tàn vào bóng tối.

Trong những năm gần đây Tổ chức Giáo Dục, Khoa học, và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thừa nhận một số ít những truyền thống văn hóa cần được bảo vệ, trong đó có Vũ điệu Saman của Aceh, một dụng cụ bằng tre được gọi là angklung, và batik, loại vải được nhuộm bằng tay.

Bà Pangestu nói rằng giờ đây, chính phủ cần làm việc tích cực hơn để gởi một thông điệp tới nhân dân thế giới:

“Chúng ta cần xác định những chuyện nào chúng ta muốn kể và phải kể lại nhiều lần theo cách có thể tạo tiếng vang tới nhiều người.”

Người Indonesia thường hay nói về tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước họ trong lãnh vực sinh vật biển, núi non hùng vĩ và quang cảnh hữu tình, gợi hứng cho một số truyền thống văn hóa phong phú nhất Đông Nam Á.

Nhưng các khoản đầu tư hầu hết lại giành cho các công nghiệp khai thác như hầm mỏ đem vào nhiều tiền nhưng làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước và gây phương hại tới môi trường.

Nhiều nỗ lực trưng bày văn hóa của Indonesia rất hời hợt vì thiếu sự ủng hộ chính trị. Nhiều người nói rằng, nước này sẽ cần phải làm việc tích cực hơn nữa trước khi người ta có thể bắt đầu gắn Indonesia với những hình ảnh của cà-ri, các bãi biển cát trắng, và vải in hoa batik màu sắc rực rỡ.