Đông Nam Á được lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Khu vực này đón nhận một làn sóng các nhà máy mới dọn đến, khi các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.
Nhưng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia đã phải vật lộn để thu hút đầu tư mới. Điều này có một phần lý do là vì sự quan liêu của nước này.
Pegatron, một trong những hãng cung cấp linh kiện lớn nhất cho Apple, sắp mở nhà máy ở Indonesia. Đó là một phần trong nỗ lực của hãng nhằm bảo vệ họ khỏi bị dính vào thuế quan của Mỹ đánh vào Trung Quốc.
Nhưng không có nhiều công ty dọn đến Indonesia như vậy.
Mook Sooi Wah, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Batamindo, nói với VOA: "Mọi người đều biết rằng Việt Nam là nơi mà hầu hết các nhà sản xuất đều dọn đến. Tất nhiên đó là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu Indonesia chúng tôi không cạnh tranh như các nước khác, tất nhiên chúng tôi lo ngại".
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cho biết trong số 33 công ty đang chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, 23 công ty chuyển đến Việt Nam. Không công ty nào chuyển đến Indonesia.
Một trong những lý do quan trọng là khởi sự kinh doanh ở Indonesia thật là khó khăn. Đôi khi, chỉ có xin giấy phép kinh doanh thôi cũng phải mất nhiều năm - lâu hơn nhiều so với các nước toàn trị nhưng thường rất hiệu quả như Việt Nam chẳng hạn.
Edy Irawady, cựu lãnh đạo Batam BP, nói với VOA: "Việt Nam à, họ dễ dàng hơn so với các nơi khác. Bởi vì, bạn biết đấy, chính phủ của họ rất mạnh mẽ. Nhưng về phần Indonesia, chúng tôi đang trong quá trình dân chủ".
Trong suốt ba thập kỷ cai trị của nhà độc tài Indonesia, ông Suharto, nền kinh tế đã có mô hình kế hoạch hóa tập trung.
Nhưng khi ông từ chức sau các cuộc biểu tình rầm rộ năm 1998, quyền lực đã bị phân tán thành nhiều tầng nấc chính quyền.
Và ở một đất nước rộng lớn như Indonesia, những tầng nấc đó không phải lúc nào cũng hoạt động khớp với nhau.
Một vấn đề khác là tham nhũng. Dĩ nhiên, các quốc gia khác cũng gặp vấn đề này. Nhưng ở Indonesia, giờ đây người ta phải hối lộ nhiều quan chức hơn.
Nhà phân tích Bhima Yudhistira, thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính, nói với VOA: "Có một số chi phí tốn kém phải bỏ ra vì bạn cần phải hối lộ không chỉ vài người trong chính quyền trung ương, mà cả những người ở chính quyền địa phương. Và chuyện này gây ra sự kém hiệu quả về mặt đầu tư".
Chính phủ mới của Indonesia đang cố gắng giải quyết vấn đề. Họ đang giảm các giấy phép cũng như giảm các điều kiện để đạt được các giấy phép đó.
Nhưng vào thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cố gắng giải quyết ổn thỏa cuộc chiến thương mại của họ, có những người ở Indonesia lo rằng Indonesia đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mất rồi.