Indonesia lại phá hủy tàu cá của ngư dân Việt Nam trong chiến dịch ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép tại ngư trường của quốc gia Đông Nam Á này.
81 tàu của nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, đã bị cho nổ tung tại nhiều địa điểm khác nhau của đảo quốc này hôm 1/4.
Nhiều tàu cá bị phá hủy nhất (26 chiếc) ở Natuna nằm gần Biển Đông, và tiếp theo (10 chiếc) ở cảng biển Tarempa gần đó, theo AP.
Your browser doesn’t support HTML5
Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mạnh tay đối với tình trạng đánh bắt cá trái phép trên lãnh hải nước mình. 317 tàu nước ngoài, kể cả số mới nhất, đã bị đánh chìm kể từ đó.
Trả lời VOA Việt Ngữ cuối năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, cho biết rằng chuyện ngư dân Việt đánh bắt trái phép là một vấn đề được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa bà và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám khi quan chức người Việt thăm Indonesia.
Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài “hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi”, nhấn mạnh rằng “đây là cách tốt nhất”.
Your browser doesn’t support HTML5
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN”.
Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình.Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói.
Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.
Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng “chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ: “Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt".
Ông Thắng nói thêm: "Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình”.
Tháng trước, kênh ABC của Úc đưa tin, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia.
Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.
Trước đó, gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland vì đánh bắt hải sâm trái phép.