Ông Mahesh Iyer là giám đốc điều hành cấp cao tại tập đoàn Shamanur có trụ sở ở Bangalore. Tập đoàn này kinh doanh nhiều lĩnh vực từ nhà máy sản xuất đường tới bất động sản, giáo dục và hàng không.
Ông là một trong số những doanh nhân và giám đốc điều hành Ấn Độ thường xuyên sử dụng một phản lực cơ riêng để bay tới bất kỳ nơi nào và bất cứ khi nào họ muốn.
Ông Iyer nói rằng việc đi lại bằng phi cơ riêng giúp ông tiết kiệm thời gian và giúp các giám đốc công ty quản lý lịch làm việc tốt hơn.
Ông nói: “Hiện tại tôi đang ở Colombo, tôi chỉ có một chuyến bay tới Bangalore vào buổi tối, vì vậy nếu ai muốn đi vào buổi sáng, thì có thể đi bằng một phản lực cơ riêng, ý tôi muốn nói là nếu ông ấy cần phải tham dự một cuộc họp vào buổi sáng.”
Khi hàng ngũ những người giàu có gia tăng ở Ấn Độ, số phản lực cơ riêng cũng gia tăng theo. Tổng số máy bay riêng ở nước này hiện là 142 chiếc - tức tăng 50% trong ba năm.
Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với ở những nước phương Tây như Hoa Kỳ, nhưng theo công ty tư vấn toàn cầu Frost and Sullivan, Ấn Độ có số phản lực cơ riêng cao nhất ở Châu Á - cao hơn cả ở Trung Quốc.
Các loại phi cơ riêng này có nhiều loại từ máy bay Hawker tới loại xa xỉ như Airbus. Người đàn ông giàu nhất Ấn Độ - Tổng giám đốc Reliance Industries Mukesh Ambani - đã tặng vợ một món quà là chiếc máy bay phản lực Airbus.
Trong khi ngày càng nhiều các tỷ phú và triệu phú Ấn Độ mua máy bay riêng cho mình, nhiều doanh nghiệp cũng đang thuê những loại máy bay này từ các công ty cho thuê phi cơ riêng, những công ty vốn đã xuất hiện trên thị trường để tận dụng cơ hội khi nhu cầu đang ngày càng gia tăng.
Hãng hàng không Jupiter có trụ sở ở Bangalore là một trong các công ty thuê các phi cơ riêng. Giám đốc điều hành hãng Jupiter Julian D'Souza nói rằng hoạt động kinh doanh của hãng đã tăng trưởng gần 15% mỗi năm.
Ông nói: “Phản lực cơ riêng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điều từng xuất hiện ở Hoa kỳ và Châu Âu cách đây 10 năm hiện đang xuất hiện ở Ấn Độ, dần dần làm quen với lãnh đạo các tập đoàn, những người không có thời gian chờ đợi ở sân bay để lên một chuyến bay thương mại, vì vậy điều này là điều đang xuất hiện nhanh chóng nhất. Bạn chỉ cần vào sân bay, bước vào máy ban riêng, và trong hầu hết các trường hợp, xe của bạn sẽ tới tận cổng để đón bạn.”
Chi phí thuê máy bay dao động từ 1.500 đôla một giờ cho một máy bay nhỏ tới 100.000 đôla một giờ cho máy bay lớn hơn và sang trọng hơn.
Nhưng điều đó cũng làm không làm nản lòng khách hàng, những người không muốn chịu cảnh hoãn chuyến, tắc đường hay cần nối chuyến nhanh hơn.
Các phân tích gia hàng không nói rằng máy bay riêng không những được coi là biểu tượng của sự giàu có mà còn là một chi phí cần thiết để kinh doanh hiệu quả.
Phân tích gia hàng không Rajan Mehra ở New Delhi nói rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế trong 5 năm qua đã giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động cả ở trong nước lẫn ngoài nước.
Nhưng các chuyến bay thương mại vẫn chỉ phục vụ những khu vực thành phố, mà không phục vụ tới nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, khiến nhiều doanh nhân phải bay bằng phi cơ riêng.
Ông nói: “Không chỉ có những nhà tư bản công nghiệp mới đi bằng máy bay riêng, thậm chí cả những người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí cả những doanh nhân ở cấp trung, những người nhận ra rằng với những nơi xa xôi ở Ấn Độ, nơi chưa có sẵn cơ sở hạ tầng cho các máy bay thương mại, cách tốt nhất là có một máy bay nhỏ và có thể tới thăm nhà máy của họ, các văn phòng khác ở trong khu vực đó, vì vậy về mặt phi cơ riêng mà nói, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những nước hàng đầu sử dụng phương tiện này.”
Đây rõ ràng là thời điểm bùng nổ của ngành công nghiệp này. Và với dự báo rằng đội máy bay phản lực của doanh nghiệp Ấn Độ có thể tăng gấp 3 lần trước cuối thập niên này, dự kiến người ta sẽ thấy thêm các máy bay Bomardiers, Gulfstreams và Cessnas trên bầu trời Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, nhu cầu có phi cơ riêng đang gia tăng nhanh chóng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh đưa đến một tầng lớp mới các tỷ phú và triệu phú cũng như những doanh nhân giàu có. Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha tường trình về sự gia tăng việc sử dụng phương tiện giao thông xa xỉ này tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ nhì châu Á này.