Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đến thăm các địa điểm hành hương của Phật giáo tại Ấn Độ trước khi đến New Delhi để hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn, trong đó có Thủ tướng Manmohan Singh và một số bộ trưởng cao cấp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Vishnu Praksh cho biết New Delhi hài lòng khi thấy mối quan hệ với Miến Điện đang ngày càng mạnh hơn:
“Mối quan hệ giữa hai nước là một quá trình. Đó là một quá trình đang hình thành và tôi nhận thấy rõ là mối quan hệ đang đi lên cả về nội dung, thực chất và tốc độ. Đây là một điều chắc chắn, không còn gì để nghi ngờ cả.”
Ông Prakash nói thêm rằng New Delhi sẽ tăng cường mối quan hệ với Miến Điện trong nhiều lãnh vực từ an ninh, thương mại, năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng cho tới giáo dục và văn hóa.
Ông gọi Miến Điện là một nước đối tác quan trọng trong nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng của Ấn Độ. Ông tuyên bố Ấn Độ sẽ xây dựng đường sá và một bến cảng tại nước láng giềng này để giúp cho các bang xa xôi ở phía đông bắc Ấn Độ dễ dàng tiếp cận với các bến cảng và đẩy mạnh công cuộïc phát triển về kinh tế. Hai nước cũng dự kiến gia tăng kim ngạch thương mại song phương từ 1, 2 tỉ đôla hiện nay lên tới 3 tỉ đôla vào năm 2015.
Khác với các nước phương Tây, là những nước đã áp đặt cấm vận đối với Miến Điện trong nhiều thập niên nay vì thành tích nhân quyền của nước này, New Delhi đã chủ động giao tiếp với Miến Điện từ thập niên 1990 vì sự quan trọng về mặt chiến lược của Miến Điện đối với Ấn Độ.
Về phần mình, Miến Điện đã hứa với Ấn Độ sẽ giúp kiểm soát các nhóm nổi dậy trong khu vực phía bắc Ấn Độ thường tìm cách chạy sang lãnh thổ Miến trốn tránh. Miến Điện cũng có nhiều nguồn tài nguyên mà Ấn Độ đang cần, như dầu lửa và khí đốt, và làm cầu nối cho Ấn Độ với các nước khác trong vùng đông nam Á.
Chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Thein Sein diễn ra sau khi tân chính phủ tại Miến Điện thực hiện những hành động thăm dò về cải cách chính trị. Họ đã phóng thích một số tù nhân chính trị, mở thêm đối thoại với lãnh tụ dân chủ Aung san Suu Kyi và nới lỏng một số biện pháp kiểm soát truyền thông.
Theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo mới đang tìm cách chấm dứt tình trạng bị cô lập.
Ông C. Raja Mohan, một nhà phân tích chính sách ngoại giao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, nói rằng những hành động đó sẽ giúp cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Miến Điện được tăng cường thêm nữa. Ông nhận định:
“Điều đáng phấn khởi hơn vào lúc này là Miến Điện quả thực đang thay đổi. Nhà lãnh đạo hiện nay, ông Thein Sein, đã đưa ra dấu hiệu cho thấy sự cam kết mạnh mẽ đối với cải cách, cho nên mọi chuyện đều tiến triển khá nhanh chóng. Vì vậy, một số khó khăn, những khó khăn về mặt quốc tế, một khi loại bỏ được, thì Ấn Độ và Miến Điện sẽ có khả năng lớn hơn để hợp tác với nhau.”
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ấn Vishnu Praksh nói rằng Ấn Độ đang hỗ trợ công cuộc chuyển đổi sang dân chủ của Miến Điện và hy vọng sự chuyển đổi này sẽ có tính chất rộng lớn và bao gồm nhiều thành phần.
Nhiều giờ đồng hồ trước khi Tổng thống Thein Sein đến New Delhi, nhiều tổ chức ở Ấn Độ ủng hộ cho dân chủ Miến Điện đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô của Ấn để yêu cầu Ấn Độ khuyến khích tân chính phủ Miến thể hiện cam kết về dân chủ bằng cách tiến hành một cuộc đối thoại có ý nghĩa với người dân, trong đó có các sắc dân thiểu số.
Một số nhà phân tích nói rằng Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, là nước đã thiết lập những quan hệ mật thiết với Miến Điện khi nước này bị các quốc gia Tây phương cô lập.
Tổng thống Miến Điện đang có mặt ở Ấn Độ trong chuyến công du nhằm củng cố mối quan hệ phát triển đều đặn trong mấy năm qua. New Delhi muốn tăng cường mối quan hệ với nước láng giềng, mà giới lãnh đạo mới đã thực hiện một số hành động hướng tới cải cách chính trị.