Cuộc họp hôm thứ Năm giữa các giới chức của Bộ Nội vụ, các cơ quan an ninh và công ty viễn thông quốc doanh cung cấp dịch vụ đã diễn ra sau khi chính phủ bầy tỏ các mối quan ngại về việc không theo dõi được các dữ liệu gửi qua email hay các tin nhắn trên thiết bị di động Blackberry được nhiều người sử dụng.
Các giới chức nói cuộc họp hôm thứ năm đã không đi đến kết luận.
Ấn Độ muốn công ty Canada sản xuất điện thoại này là công ty Research in Motion, để cho họ được tiếp cận các dữ liệu mã hóa truyền qua điện thoại cầm tay.
Chính phủ lo ngại rằng các dịch vụ BlackBerry có thể được các tổ chức khủng bố sử dụng bởi vì các cơ quan an ninh không thể chặn được thông tin liên lạc.
Các thành phố của Ấn Độ đã là nạn nhân của nhiều vụ tấn công khủng bố, kể các những vụ tấn công táo bạo vào Mumbai năm 2008 làm ít nhất 165 người thiệt mạng. Ấn Độ cũng đang phải chống chọi với những cuộc nổi dậy ở vùng đông bắc và tại Kashmir.
Chỉ huy Ajey Lele thuộc Viện Phân tích và Quốc phòng Ấn Độ ở New Delhi nói rằng các mối quan ngại của chính phủ xuất phát từ các tổ chức khủng bố cả trong và ngoài nước ngày càng sử dụng kỹ thuật tinh vi nhiều hơn.
Ông Lele nói: “Nhất là khi xảy ra các vụ tấn công vào Mumbai ngày 26 tháng 11, người ta đã phát hiện rằng các điện thoại vệ tinh đã được sử dụng bởi những kẻ can dự vào những hành động như vậy. Hệ thống định vị toàn cầu GPS đã được sử dụng. Các cơ quan Ấn Độ hiểu rằng các tổ chức khủng bố đang sử dụng kỹ thuật một cách rất rộng rãi và bọn chúng đang sử dụng mọi loại thiết bị tối tân. Đặc biệt, BlackBerry đem lại cho họ một lợi thế.”
Các cơ quan truyền thông Ấn Độ tường thuật rằng chính phủ đang suy tính việc có thể cấm các dịch vụ e-mail và nhắn tin. Như thế có nghĩa là những người sử dụng điện thoại sẽ chỉ có thể dùng được nó để thực hiện các cuộc gọi hay truy cập mạng internet.
Chính phủ muốn các công ty viễn thông cung cấp các dịch vụ mà các cơ quan an ninh có thể chận được.
Ấn Độ là một trong các thị trường viễn thông tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với hơn 500 triệu người sử dụng.
Ấn Độ còn là một trong nhiều nước tìm cách tiếp cận thông tin liên lạc mã hoá BlackBerry. Công ty chế tạo thiết bị này đã đạt được một thỏa thuận với Ả Rập Xê-út cho phép kiểm tra dịch vụ nhắn tin của công ty.
Ấn Độ đã cảnh báo rằng họ có thể sẽ chặn dịch vụ thư điện tử và tin nhắn qua điện thoại BlackBerry nếu như công ty Canada sản xuất loại điện thoại này không giải quyết những lo ngại của Ấn, hạn chót là ngày 31 tháng Tám. Thời hạn chót này được đưa ra sau khi chính phủ Ấn mở các cuộc thảo luận để hạn chế các dịch vụ BlackBerry. Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha tường trình về lo ngại của Ấn Độ trước những đe dọa cho an ninh quốc gia do công nghệ mã hóa của điện thoại BlackBerry có thể gây ra.