IMF: Các nước giàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Olivier Blanchard.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết kinh tế toàn cầu đang mạnh lên nhưng cảnh báo về những mối rủi ro trong các nền kinh tế mới nổi. Các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ và Anh đã có mức tăng trưởng cao hơn, nhưng IMF nói rằng các nước đang phát triển, đặc biệt là Nga, Brazil và Nam Phi, tốc độ tăng trưởng có phần chắc sẽ chậm lại.

Kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng 3,6% trong năm nay và tỉ lệ này sẽ lên tới gần 4% trong năm 2015. Nhưng lần này, các nền kinh tế mới nổi không dẫn đầu như trước nữa. Đó là nhận định của ông Thomas Helbling, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

"Trong một thời gian khá lâu, các thị trường mới nổi là những ngôi sao sáng của kinh tế toàn cầu, có tỉ lệ tăng trưởng cao, mang lại những tiềm năng lớn về lợi nhuận. Tôi nghĩ rằng tình hình đã thay đổi và chúng tôi nhận thấy các nền kinh tế tiên tiến có tiềm năng lợi nhuận tốt hơn, có sự tăng trưởng tốt hơn."

Lãi suất dự kiến sẽ tăng - kết quả của việc ngân hàng trung ương Mỹ thu hẹp qui mô của chương trình mua trái phiếu, đã góp phần làm cho nguồn vốn của các nền kinh tế mới nổi bị giảm đi, trong lúc các nhà đầu tư tìm kiếm những thị trường an toàn hơn và có lợi nhuận cao hơn.

Tình hình của hệ thống ngân hàng ở Âu châu cũng là một mối quan tâm lớn.

Các nước đang phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ thấp hơn, theo nhận định của ông Olivier Blanchard, kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

"Ví dụ chính là Brazil, là nước đã tăng trưởng với tỉ lệ 1% trong năm 2012. Chúng tôi nghĩ rằng nước này sẽ có mức tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2013. Những nước khác, như Trung Quốc và Ấn Độ, tăng trưởng khá hơn chút đỉnh so với năm ngoái. Đó là một điều tốt. Những tỉ lệ tăng trưởng này không phải là tỉ lệ mà chúng ta nhận thấy trước cuộc khủng hoảng, nhưng những tỉ lệ đó là của thời xa xưa rồi. Những nước này sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn mức mà họ đã có trước đây."

Tại Âu châu, triển vọng phát triển đã được cải thiện đối với một số các nước có nhiều nợ nần, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tỉ lệ lạm phát thấp – một dấu hiệu của mức cầu yếu kém, tiếp tục là một mối quan tâm lớn. Tình hình của hệ thống ngân hàng ở Âu châu cũng là một mối quan tâm lớn.

Kinh tế Nga sẽ suy yếu thêm nữa trong lúc các biện pháp chế tài của Mỹ và Âu châu bắt đầu có tác dụng.



Trong khi đó, tình hình của các nền kinh tế Nga và Ukraine đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước hội viên đang thảo luận về việc cung cấp ngân khoản trợ giúp khẩn cấp cho Ukraine.

Kinh tế gia Blanchard cho biết kinh tế Nga sẽ suy yếu thêm nữa trong lúc các biện pháp chế tài của Mỹ và Âu châu bắt đầu phát huy tác dụng.

"Tôi không muốn đưa ra cho quí vị một con số, nhưng chắc chắn là dựa trên những gì đã xảy ra hồi gần đây – tăng trưởng ở Nga sẽ thấp hơn."

Tuy có sự chậm lại rất đáng kể từ tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm trước đây, Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục là một trong những nước phát triển nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ tăng trưởng trong năm nay dự kiến ở mức 7,5%.

Đứng hàng thứ nhì là Ấn Độ cùng với các nước Phi châu ở phía nam sa mạc Sahara, với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 5,4%.